Áp dụng ChatGPT vào DNU như thế nào để mang lại hiệu quả cao trong học tập?

“ChatGPT không phải mối đe dọa của giáo dục. Ngược lại, ChatGPT có thể trở thành công cụ hỗ trợ học tập cho sinh viên và hoàn toàn có thể áp dụng tại Đại học Đại Nam…”. Đó là nhận định của TS. Đậu Hải Phong – Phó Trưởng khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học Đại Nam trong Hội thảo “Công nghệ ChatGPT và những tác động đối với việc dạy và học”.
Hội thảo do khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Đại Nam tổ chức, có sự tham gia của: Ban giám hiệu; lãnh đạo các khoa; cán bộ, giảng viên các Phòng, Ban, Khoa cùng nhiều nhà khoa học, giảng viên các đơn vị ngoài, những người quan tâm về chủ đề này qua livestream trên fanpage DNU-Khoa Công nghệ thông tin.
Tại Hội thảo, TS. Đậu Hải Phong đã trình bày báo cáo tổng quan về công nghệ ChatGPT, những tác động đối với việc dạy và học, áp dụng thế nào tại Đại học Đại Nam.
TS. Đậu Hải Phong cho rằng ChatGPT sẽ không trở thành mối đe dọa của giáo dục nếu biết khai thác đúng cách.
ChatGPT có phải mối đe dọa của giáo dục?
ChatGPT được thử nghiệm ngay tại buổi hội thảo. Theo đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo này có khả năng trả lời bất cứ câu hỏi nào mà người dùng nêu ra, thậm chí có thể viết một bài luận về bất cứ chủ đề gì được yêu cầu chỉ trong vài phút, vài giây.
Điều này khiến cho nhiều nhà khoa học lo ngại việc AI này sẽ tác động tiêu cực đến dạy và học. Sinh viên có thể sử dụng ChatGPT để gian lận trong học tập. Việc lạm dụng AI cũng cản trở việc học, lấy đi động lực làm việc, thui chột khả năng sáng tạo và tư duy phản biện của sinh viên.
Tuy nhiên, TS. Đậu Hải Phong cho rằng: ChatGPT chưa phải mối đe dọa của giáo dục bởi bởi hệ thống này hiện nay chưa chính xác hoàn toàn. Ứng dụng này chỉ có thể dự đoán dựa vào khối dữ liệu khổng lồ mà nó được đào tạo. Do đó, nó có thể đưa ra những câu trả lời sai hoặc không chính xác, không có nguồn để chứng minh kết quả đưa ra.
ChatGPT đưa ra câu trả lời sai.
Công cụ AI này cũng không phù hợp với các tác vụ yêu cầu logic, kiến thức chuyên ngành hoặc thông tin cập nhật. ChatGPT có thể giúp sinh viên trả lời tốt các câu hỏi lý thuyết. Nhưng khi thực hiện các đề bài mang tính ứng dụng thực tế, AI này vẫn chưa thể giúp sinh viên đưa ra câu trả lời thuyết phục.
Đối với lĩnh vực CNTT, ChatGPT cũng chỉ có thể viết code đơn giản, còn với những chương trình chuyên sâu, ứng dụng này cũng phải “vật lộn” với các dữ liệu và trả về kết quả không chính xác.
Thêm một lý do nữa để cho thấy ChatGPT chưa phải mối đe dọa của giáo dục, đó là về ngôn ngữ. Trước hết, ChatGPT hoạt động hiệu quả hơn khi người hỏi sử dụng tiếng Anh thay vì tiếng Việt. Thứ hai, sinh viên muốn sử dụng tốt ChatGPT, phải có khả năng phân tích và đánh giá thông tin để xác định được những câu trả lời của ChatGPT là đúng hay sai. Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu của hầu hết sinh viên Việt Nam.
Không thể cấm đoán sinh viên sử dụng ChatGPT
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đồng tình với quan điểm: Không thể cấm đoán sinh viên sử dụng ChatGPT. Thay vào đó, Nhà trường cần tận dụng các năng lực của ứng dụng này để nâng cao hiệu quả dạy và học.
Theo TS. Cấn Thị Cúc – Phó Trưởng khoa Y cho biết: Để sử dụng ChatGPT trong ngành Y là chưa cao bởi tính chuyên biệt của ngành học. Hơn hết, ngành học này cũng đòi hỏi cao về hình động và thực hành thay vì lý thuyết thông thường. Tuy nhiên, sinh viên Y khoa vẫn có thể sử dụng ChatGPT để tra cứu thông tin, học ngôn ngữ, cách trình bày…
ChatGPT có thể áp dụng vào Đại học Đại Nam.
PGS, TS. Phạm Thị Liên – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh cho rằng, cần phải thay đổi phương pháp đánh giá học tập; tránh tình trạng sinh viên chỉ copy-paste lời giải của ChatGPT mà không hiểu gì.
TS. Trần Đăng Công – Trưởng khoa Công nghệ thông tin cũng bày tỏ quan điểm: “Áp dụng ChatGPT vào hoạt động dạy và học là điều nên làm. Tuy nhiên, phải cảnh báo sinh viên đây chỉ là công cụ tra cứu thông tin và những đáp án nó đưa ra không hoàn toàn chính xác. Do đó, sinh viên phải tìm hiểu thêm từ các nguồn dữ liệu chính thống khác”.
DNU nên ứng xử với ChatGPT như thế nào?
Từ những ý kiến, chia sẻ thẳng thắn và cởi mở của các nhà khoa học, Hội thảo đã rút ra được cách thức áp dụng ChatGPT vào Đại học Đại Nam để đem lại hiệu quả dạy và học tốt nhất.
Đối với thầy cô, có thể sử dụng ChatGPT cho hỗ trợ giảng dạy các phần nội dung cơ bản, các kiến thức phổ thông mang tính phổ quát rộng rãi. Từ đó, các thầy cô có điều kiện dành nhiều thời gian hơn cho các nội dung chuyên sâu, mang tính chuyên ngành cao.
Đồng thời, thầy cô có thể sử dụng ChatGPT để tạo ra các ngân hàng câu hỏi, tạo các câu trác nhiệm và bài tập cho các môn học khác nhau; tìm kiếm ý tưởng, tạo nguồn cảm hứng học tập; tạo văn bản cơ bản cho các hoạt động trên lớp… Bên cạnh đó, hướng dẫn sinh viên sử dụng đúng cách để cải thiện kỹ năng viết, kỹ năng trình bày; học ngôn ngữ; đồng thời biết cách hệ thống, sàng lọc nguồn dữ liệu nhận được.
Đối với học sinh sinh viên, ChatGPT hỗ trợ học sinh cải thiện kỹ năng viết thông qua việc đối sánh các đoạn văn bản mình tự viết với tham khảo các mẫu câu trả lời của ChatGPT; tra cứu, tổng hợp thông tin; tìm kiếm ý tưởng và các nội dung cơ bản của hoạt động trên lớp. Sinh viên cũng có thể sử dụng ChatGPT cải thiện việc học ngôn ngữ.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng sinh viên gian lận bằng ChatGPT, cần phải: Thay đổi phương thức ra đề với nhiều câu hỏi mang tính phân tích, lập luận và học thuật nhiều hơn thay vì chỉ cho các câu hỏi thuần lý thuyết, mang tính tra cứu. Nếu cần nhớ kiến thức, có thể tiến hành kiểm tra vấn đáp.
Đối với những môn học cần phát triển tư duy như lập trình, vẫn yêu cầu sinh viên lập trình trên lớp. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra sẽ ngắt toàn bộ kết nối Internet và có sự giám sát chặt chẽ của giảng viên.
Sinh viên có thể sử dụng ChatGPT để tra cứu thông tin, học cách viết, cách trình bày trong học tập. Nhưng không khuyến khích sử dụng công cụ AI này trong các buổi thảo luận trên lớp để tránh tình trạng sinh viên lười suy nghĩ, ỉ lại vào ChatGPT.
Buổi Hội thảo đã đem đến cái nhìn tổng quát về ChatGPT cho cán bộ, giảng viên trường Đại học Đại Nam. Từ kết quả của buổi Hội thảo cho thấy, ChatGPT hoàn toàn có thể trở thành công cụ hỗ trợ dạy và học. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu, phân tích, đánh giá, kết hợp thử nghiệm quy mô nhỏ, đánh giá toàn diện tính hiệu quả trước khi xem xét nhân rộng và đưa vào áp dụng chính thức tại Đại học Đại Nam.
BTT + Khoa CNTT