Áp dụng phương pháp Kế toán quản trị vào thực tiễn

Đăng ngày 25/10/2017
8.778 lượt xem
Đăng ngày 25/10/2017
8.778 lượt xem
Chia sẻ: Icon facebook Icon X Icon Pinterest
carpentry-mark
Đối tượng của kế toán là tài sản và sự vận động của tài sản trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo tính thanh khoản thì tài sản gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Theo mức độ chi tiết thì đó là các loại tài sản: tiền, nợ phải thu, các khoản đầu tư, hàng tồn kho, tài sản cố định, các loại tài sản khác….
TS. Lê Thế Anh - Trưởng khoa
Đối tượng của kế toán là tài sản và sự vận động của tài sản trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo tính thanh khoản thì tài sản gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Theo mức độ chi tiết thì đó là các loại tài sản: tiền, nợ phải thu, các khoản đầu tư, hàng tồn kho, tài sản cố định, các loại tài sản khác…. Ở mức độ chi tiết hơn nữa là: loại tiền gì ? ở đâu ? (tại quỹ hay gửi ở các tổ chức tài chính) nợ phải thu ở đối tượng nào? trong hạn thanh toán hay quá hạn? khoản đầu tư vào đối tượng nào? hiệu quả đầu tư ra sao? cụ thể từng loại hàng tồn kho ở mức độ nào, chất lượng như thế nào? phù hợp với mục đích kinh doanh hay không? v.v…
Như vậy, tuỳ thuộc vào yêu cầu quản lý cụ thể các đối tượng kế toán được chi tiết hơn nữa, nhằm cung cấp các thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.
Để có thể thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về tình hình kinh tế, tài chính, kế toán sử dụng các phương pháp như:
+ Chứng từ để ghi nhận thông tin đã phát sinh;
+ Đánh giá thông tin đã được ghi nhận làm căn cứ cho việc ghi sổ, tổng hợp số liệu theo chỉ tiêu trên các báo cáo;
+ Sử dụng hệ thống tài khoản để tổng hợp, phân tích số liệu;
+ Ghi sổ kép để phản ánh tài sản theo mối quan hệ tài sản và nguộc hình thành tài sản (nguồn vốn);
+ Thực hiện kiểm kê để xác định chính xác số lượng tài sản và đánh giá, phân tích giá trị thực của tài sản hiện có;
+ Lập báo cáo cung cấp thông tin theo yêu cầu của nhà quản trị.
Việc sử dụng các phương pháp này căn cứ vào yêu cầu của kế toán như: phản ánh đầy đủ, trung thực, kịp thời và các yêu cầu cụ thể khác. Những yêu cầu của kế toán được đặt ra theo nhu cầu của đối tượng sử dụng thông tin. Chủ thể sử dụng thông tin là các đối tượng bên trong doanh nghiệp và các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp. Mỗi đối tượng khác nhau có mục đích sử dụng thông tin khác nhau nên nhu cầu thông tin của các đối tượng này cũng khác nhau. Các đối tượng bên ngoài sử dụng các thông tin phục vụ cho việc ra các quyết định liên quan đến hoạt động đầu tư tìm kiếm lợi nhuận hay phục vụ cho mục tiêu quản lý kinh tế của các cơ quan Nhà nước hay của các cơ quan nghiên cứu…. Các đối tượng bên trong doanh nghiệp sử dụng các thông tin kế toán để quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó thông tin kế toán phải được tổ chức, phân tích đa dạng mới có thể đáp ứng được nhu cầu thông tin của các chủ thể. Đồng thời nội dung thông tin cũng cần được cung cấp qua nhiều kênh khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo tính thống nhất, tính hệ thống để có thể kiểm tra, đối chiếu được khi cần thiết nhằm đảm bảo độ tin cậy của thông tin.

Hệ thống kế toán cung cấp những thông tin về tình hình kinh tế tài chính của doanh nghiệp cho các đối tượng bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, thì các thông tin này phải có cơ sở pháp lý là hệ thống chứng từ ban đầu. Nhưng do có sự khác nhau về phương pháp xử lý thông tin thu từ chứng từ ban đầu để cho ra các thông tin với nội dung phù hợp nhu cầu thông tin. Do vậy phương pháp sử dụng trước hết là phương pháp  kế toán, sau đó là kết hợp các phương pháp khác để có thể phân tích, xử lý thông tin, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin của các đối tượng.

Qua phân tích nhu cầu và phương pháp sử dụng để tổng hợp phân tích thông tin phục vụ các đối tượng sử dụng thông tin cho thấy rõ hơn vị thế của kế toán quản trị là một bộ phận trong hệ thống kế toán doanh nghiệp. Vì vậy, đối tượng của kế toán quản trị cũng là tài sản và sự vận động của tài sản trong qúa trình sản xuất kinh doanh. Mục tiêu và nhiệm vụ của kế toán quản trị là cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý cụ thể trong nội bộ doanh nghiệp. Do đó thông tin kế toán quản trị cần chi tiết hơn, kịp thời hơn so với thông tin của kế toán tài chính. Kế toán quản trị sử dụng các phương pháp sau:
Một là, phương pháp chứng từ: Chứng từ kế toán chụp lại hình ảnh trung thực nhất về hoạt động kinh tế, tài chính phát sinh tại đơn vị. Chứng từ được lập phục vụ cho cả kế toán tài chính và kế toán quản trị. Do đó, bên cạnh những nội dung cơ bản của chứng từ để phục vụ yêu cầu kế toán tổng hợp còn phải căn cứ vào yêu cầu kế toán chi tiết để quy định thêm các nội dung ghi chép trên chứng từ để phục vụ yêu cầu này. Chứng từ sau khi lập được chuyển cho bộ phận kế toán tài chính và kế toán quản trị (mỗi bộ phận một liên ) để làm căn cứ tạo cơ sở dữ liệu ban đầu để tổng hợp và phân tích thông tin.
Hai là, phương pháp tính giá: Tính giá là việc sủ dụng tiền tệ để biểu hiện giá trị tài sản. Nguyên tắc tính giá của kế toán tài chính là phương pháp giá gốc (giá thực tế). Trong kế toán quản trị, tài sản cũng được đánh giá theo giá gốc làm căn cứ phân tích thông tin. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nhanh phục vụ yêu cầu quản lý tức thời trong kế toán quản trị có thể sử dụng giá hạch toán.
Ba là, phương pháp tài khoản: Đây là phương pháp được sử dụng để tập hợp hệ thống hoá nghiệp vụ kinh tế theo nội dung kinh tế của nghiệp vụ nhằm phản ánh và giám đốc thường xuyên từng đối tượng kế toán. Trong kế toán quản trị các tài khoản được sử dụng để theo dõi chi tiết từng đối tượng của kế toán quản trị. Các đối tượng này cũng là đối tượng của kế toán tài chính nhưng được phản ánh chi tiết theo yêu cầu cung cấp thông tin của nhà quản trị doanh nghiệp.
Bốn là, phương pháp ghi sổ kép: là cách ghi nghiệp vụ kinh tế vào tài khoản kế toán, thể hiện được mối quan hệ giữa các đối tượng kế toán. Kế toán quản trị căn cứ vào những thông tin được ghi nhận theo phương pháp ghi sổ kép để phân tích, tổng hợp thông tin cung cấp cho các nhà quản trị.
Năm là, phương pháp tính giá thành: Là phương pháp xác định chi phí trong một khối lượng sản phẩm hoặc dịch vụ đã hoàn thành sản xuất. Theo yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời của các nhà quản trị về chi phí và giá thành sản xuất, bộ phận kế toán quản trị phải tập hợp đầy đủ, chi tiết các khoản mục chi phí của các công đoạn sản xuất phục vụ cho việc tính giá thành. Trong kế toán quản trị, giá thành thường được tính theo giá thành định mức. Do vậy, doanh nghiệp cần phải xây dựng được hệ thống định mức trong sản xuất kinh doanh.
Sáu là, phương pháp lập báo cáo nội bộ: Báo cáo nội bộ là những báo cáo được lập theo yêu cầu cung cấp thông tin của các nhà quản trị ở các cấp quản lý trong nội bộ doanh nghiệp.
Bảy là, các phương pháp ký thuật: Kế toán quản trị sử dụng các phương pháp kỹ thuật để tổng hợp, phân tích thông tin như: phương đồ thị, phương pháp cực đại cực tiểu, phương pháp bình phương nhỏ nhất… để cung cấp những thông tin phục vụ cho việc ra các quyết định, lập phương án kinh doanh.

Từ phân tích trên cho thấy, hệ thống các phương pháp kế toán quản trị cũng là phương pháp kế toán nói chung, nhưng có các đặc điểm riêng để phù hợp với tính chất thông tin của kế toán quản trị, đó là:
+ Thông tin mang tính nội bộ chỉ cung cấp cho các nhà quản trị doanh nghiêp;
+ Thông tin được tổng hợp, phân tích và cung cấp linh hoạt đáp ứng được sự thay đổi thường xuyên của các sư kiện kinh tế, tài chính của doanh nghiệp.
+ Bên cạnh việc phản ánh giá trị của các hoạt động, thông tin kế toán quản trị còn mô tả các hoạt động và tính chất của các hoạt động trong các báo cáo quản trị.
+ Thông tin của kế toán quạn trị hướng tới tương lai nên thông tin mang tính dự báo phục vụ việc lập kế hoạch và gia quyết định điều hành sản xuất kinh doanh.
+ Với mục tiêu cung cấp cho các nhà quản trị nên thông tin trên báo cáo quản trị mang tính hướng dẫn nhiều hơn tính pháp lý của nguồn tài liệu gốc. Do đó thông tin kế toán quản trị bị ràng buộc bởi hệ thống các chuẩn mực kế toán.

Để xác định nội dung kế toán quản trị trong từng doanh nghiệp cụ thể, kế toán căn cứ vào mục tiêu và yêu cầu quản lý của các nhà quản trị. Những nội dung này phụ thuộc vào đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và trình độ quản lý của nhà quản trị trong từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể khái quát thành các nội dung cơ bản như sau :
Thứ nhất, kế toán chi tiết tài sản cố định: đó là việc phản ánh về số lượng, giá trị, các thông số kỹ thuật, thời gian khấu hao, mức khấu hao, sự biến động về số lượng, về giá trị do nhượng bán, do thanh lý, do chuyển nội bộ, do điều chuyển theo lệnh cấp trên v.v…
Thứ hai, kế toán chi tiết vật tư , hàng hoá, thành phẩm: là việc phản ánh theo số lượng và giá trị của từng loại, từng nhóm, theo từng kho hàng.
Thứ ba, kế toán chi tiết nợ phải thu, nợ phải trả: Các khoản công nợ cần phản ánh theo từng đối tượng nợ, từng nghiệp vụ phát sinh nợ và thanh toán nợ. Đối với các khoản nợ có nguồn gốc ngoại tệ cần theo dõi kỳ hạn thanh toán nợ, hạch toán chi tiết khoản nợ, quy đổi ra đồng Việt Nam và đánh giá lại các khoản nợ này khi lập báo cáo tài chính.
Thứ tư, kế toán chi phí phát sinh theo từng đối tượng: Xác định chi tiết các khoản mục chi phí theo nội dung kinh tế, theo khoản mục giá thành, theo cách ứng xử của chi phí. Xác định rõ đối tượng tập hợp chi phí và tính giá thành sản xuất cho từng loại sản phẩm.
Thứ năm, phản ánh chi tiết nguồn vốn kinh doanh theo các đối tượng góp vốn.
Thứ sáu, phản ánh chi tiết chi phí và thu nhập theo từng bộ phận, từng hoạt động theo yêu cầu của các nhà quản trị.
Thứ bảy, định kỳ lập các báo cáo quản trị nội bộ và báo cáo nhanh theo yêu cầu đột xuất để phục vụ yêu cầu ra quyết định điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ tám, lập dự toán để phục vụ chức năng kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh.
Thứ chín, thu thập, tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin nhằm cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ yêu cầu ra các quyết định ngắn hạn và dài hạn của nhà quản trị.
Từ phân tích những nộ dung của kế toán tài chính cho thấy, những nội dung của kế toán quản trị nêu trên đã bao gồm nội dung kế toán chi tiết mà hệ thống kế toán doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện. Tuy nhiên, việc ghi nhận của kế toán tài chính hướng tới mục tiêu tổng hợp thông tin phục vụ báo cáo tài chính và xác định nghĩa vụ về thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước, chưa tổng hợp thành các thông tin phục vụ yêu cầu quản trị doanh nghiệp. Những nội dung tài chính và mô tả hoạt động phục vụ yêu cầu lập kế hoạch, ra quyết định ngắn và dại hạn thì hầu như chưa thực hiện. Điều đó là một tồn tại khách quan và có thể chấp nhận được với một nền kinh tế mang tính bao cấp, trong đó tính chủ động không nhiều, tính dự báo không phải là yêu cầu cấp thiết. Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh phức tạp tiềm ẩn nhiều rủi ro doanh nghiệp phải đối mặt với sự tồn tại và phát triển nên cần phải có những thông tin hữu ích phục vụ cho việc ra quyết đinh. Những thông tin này không chỉ nằm trong khuôn khổ hạch toán kế toán mà còn mang tính hạch toán thống kê, hạch toán nghiệp vụ. Bên cạnh đó thông tin không chỉ thể hiện trên các chỉ tieu tài chính mà còn phản ánh được tính chất mà mức độ của các hoạt động kinh tế. Loại thông tin này chỉ được cung cấp bởi bộ phận kế toán quản trị trong doanh nghiệp. Do vây, kế toán quản trị không chỉ là kế toán chi tiết mà còn phân tích, tổng hợp cung cấp thông tin hữu ích và kịp thời phục vụ yêu cầu quản trị doanh nghiệp.

Qua nghiên cứu hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay cho thấy phần kế toán tài chính là phần được quan tâm nhất nhất, mặc dù các yêu cầu về cung cấp thông tin phục vụ công tác điều hành sản xuất kinh doanh vẫn luôn được đặt ra. Nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống kế toán doanh nghiệp vốn vận hành theo chế độ kế toán thống nhất của Nhà nước. Chế độ kế toán đó mới chỉ cập nhật đến nội dung kế toán tài chính trong đó bao gồm kế toán tổng hợp và kế toán chi tiết ở một số đối tượng. Do vậy các doanh nghiệp đã không tự tìm đến hệ thống kế toán nào khác ngoài hệ thống kế toán tài chính.
Để hệ thống kế toán quản trị được áp dụng vào các doanh nghiệp Việt Nam, vận hành đồng thời với hệ thống kế toán tài chính, cần phải có sự tuyên truyền về tính linh hoạt và tính hữu ích khi thực hiện kế toán quản trị đối với ban lãnh đạo doanh nghiệp. Các doanh nghiệp với vị thế là chủ thể hành động, cần phải nhận thức rõ sự cần thiết của kế toán quản trị, phân biệt phạm vi kế toán quản trị, nội dung kế toán quản trị, phương pháp tiến hành kế toán quản trị, để tổ chức bộ máy tiến hành công tác kế toán quản trị, tổ chức sổ, xây dựng hệ thống báo cáo. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ của các tổ chức nghề nghiệp như Hội kế toán Việt Nam về chuyên môn, sự đổi mới trong công tác đào tạo kế toán quản trị tại các cơ sở đào tạo để cung cấp nguồn lao động kế toán quản trị.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Nguyễn Ngọc Quang (2011), ‘Kế toán quản trị doanh nghiệp’, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân.
2.     Đoàn Xuân Tiên (2012), ‘Giáo trình kế toán quản trị’, Học Viện Tài chính. NXB tài chính.
3.     Atkinson, Kaplan & Young (2004), ‘Management Accounting’. Prentice Hall. Fouth Edition.
4.     Nghiêm Văn Lợi (2014), ‘Doanh nghiệp Việt còn mơ hồ về kế toán quản trị’, http://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/doanh-nghiep-viet-con-mo-ho-ve-ke-toan-quan-tri-119770.html
5.     Trần Tuấn Anh, Đỗ Thị Thu Hằng (2014), Ứng dụng kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp Việt Nam, http://www.tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/ung-dung-ke-toan-quan-tri-chi-phi-va-gia-thanh-san-pham-trong-cac-doanh-nghiep-viet-nam-53056.html>

Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025

Năm 2025, Trường Đại học Đại Nam tuyển sinh 36 ngành đào tạo thuộc các khối ngành: Sức khoẻ, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Kinh doanh và Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
background image
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background