Tạo rung chuyển của hệ thống
Ngày 4-12-2013, Cổng thông tin Chính phủ tổ chức Đối thoại trực tuyến về đột phá trong thi cử và khắc phục dạy thêm, học thêm trong nhà trường hiện nay.
Theo Nghị quyết lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, sẽ đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT, bảo đảm trung thực, khách quan. Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và GDĐH.
Đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, mục đích của đổi mới đánh thi cử là chuyển từ việc học sinh học được cái gì sang học sinh hiểu được gì và vận dụng ra sao trong thực tiễn cuộc sống. Từ đó điều chỉnh, tác động ngược lại đến quá trình dạy học, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
"Đột phá trong thi cử được ví như điểm nhấn trong toàn bộ hệ thống. Bấm vào nút này sẽ làm rung chuyển cả hệ thống giáo dục. Đây cũng là khâu dễ bấm, dễ làm và khi tiến hành cơ hội thành công sẽ cao", ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.
Không đồng tình với quan điểm trên, phát biểu tại Đối thoại, ông Văn Như Cương- Hiệu trưởng THPT Dân lập Lương Thế Vinh lại cho rằng: Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT chưa đồng nhất trong việc chọn khâu đột phá trong đổi mới GD-ĐT. Có lúc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, kiểm tra đánh giá thi của là khâu đột phá, lúc khác lại nói rằng, đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá nhưng gần đây lại cho biết đổi mới giáo viên là khâu đột phá.
Triệt tiêu thi 3 chung Theo ông Văn Như Cương, để tiến hành đổi mới thi cử ở bậc ĐH nên tiến hành bỏ kỳ thi 3 chung. Vì sản phẩm đào tạo (đầu ra) của các trường sư phạm, kinh tế, kỹ thuật là khác nhau nhưng khi tiến hành thi đầu vào lại giống nhau, như vậy là sự bất hợp lý. Do vậy, Bộ GD-ĐT nên để cho các trường tự chủ, thi tuyển sinh ĐH, CĐ. |
Do vậy theo ông Văn Như Cương, khâu đột phá chính là việc các nhà trường dạy cho học sinh những gì, học thế nào, áp dụng ra sao trong cuộc sống.
Theo Thứ trưởng Hiển, để từng bước tạo động lực cho việc đổi mới thi cử tại Việt Nam sau 2015, thời gian qua Bộ GD-ĐT đang hướng các trường ra đề theo phương pháp mở để huy động sức sáng tạo, khả năng làm chủ kiến thức của học sinh.
Ông Đinh Xuân Khoa- Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Vinh cho rằng, việc ra đề mở cho học sinh trong giai đoạn hiện tại và tương lai là vô cùng cần thiết vì hiện nay cách thức thi, kiểm tra đánh giá của các nhà trường mới chỉ dừng lại ở việc tái hiện kiến thức. Nếu áp dụng càng nhiều cách ra đề thi mở sẽ khiến học sinh biết cách vận dụng khéo léo kiến thức sách vở vào thực tiễn, rèn luyện tính cách và sức sáng tạo của bản thân.
Đồng tình với cách ra đề mở cho học sinh nhưng ông Văn Như Cương còn chút băn khoăn về việc, đề thi mở vậy cách chấm có mở hay không và mở đến mức độ nào, giáo viên căn cứ vào đâu để đánh giá cách làm mở của học sinh...
Trả lời băn khoăn này của PGS Văn Như Cương, Thứ trưởng Hiển cho rằng: Đề mở đương nhiên cách chấm thi sẽ mở.
Dẹp dần vấn nạn dạy thêm, học thêm
Tại Đối thoại, vấn đề dạy thêm, học thêm (DTHT) tràn lan đang diễn ra tại một số cơ sở giáo dục nhận được nhiều quan tâm của dư luận. Ông Nguyễn Vinh Hiển kỳ vọng sự đột phá trong thi cử kiểm tra đánh giá sẽ góp phần giảm tải tình trạng DTHT tràn lan đang diễn ra, giảm gánh nặng cho hàng triệu gia đình có con em trong độ tuổi đến trường. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, DTHT vẫn còn tồn tại do nhu cầu tất yếu của thực tiễn xã hội.
Sở dĩ để xảy ra tình trạng DTHT tràn lan như hiện ay, ông Hiển chỉ ra 3 nguyên nhân căn bản, đó là do quản lý giáo dục đang có vấn đề, thứ hai là do những nội dung kiến thức trong chương trình còn quá nặng, học sinh phải học nhiều, thứ 3 đó chính là kỳ vọng quá cao của phụ huynh học sinh đặt lên vai của con em mình.
Bàn về vấn nạn này, ông Văn Như Cương, DTHT thực chất là tốt nếu các cơ sở tiến hành trong sáng vì lợi ích của học sinh nhằm bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Nhưng nếu DTHT vì vụ lợi, núp dưới danh nghĩa bồi dưỡng cho học sinh để tăng thêm thu nhập cho giáo viên thì đó là bức tranh tối cần phải hạn chế tối đa.
Nhiều ý kiến của người dân kỳ cho rằng sở dĩ DTHT hoành hoành với tốc độ chóng mặt như hiện nay là do cuộc sống của giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn nên họ phải bám vào công cụ DTHT.
Về thực tế này ông Hiển cho biết, theo những nội dung được nêu ra trong Nghị quyết về đổi mới, căn bản toàn diện GD-ĐT, thang bậc lương của giáo viên sẽ cao nhất trong bậc lương của khối hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó giáo viên còn có phụ cấp nghề nghiệp. Ngoài ra còn dựa trên thực lực, cống hiến của từng giáo viên ngành GD có những đánh giá, ghi nhận, đãi ngộ cụ thể. Với giáo viên trẻ, ngành sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ được làm việc, học tập và cống hiến.
Theo Hải Quan