Chườm nóng và những điều cần biết

Chườm nóng là gì?
Chườm nóng là một phương pháp sử dụng nguyên lý truyền nhiệt để làm nóng một vị trí trên cơ thể với mục đích làm tăng tuần hoàn tại chỗ từ đó đẩy nhanh quá trình hấp thụ các chất trung gian hoá học gây đau, làm giảm tình trạng căng cơ từ đó làm giảm các cơn đau do căng cứng cơ.
Ảnh minh họa.
Áp dụng phương pháp chườm nóng khi nào?
Phương pháp chườm nóng giúp giảm đau hiệu quả đối với các trường hợp đau mạn tính như:
- Đau mỏi vai gáy : Đối với người cao tuổi, người làm văn phòng hạn chế vận động cổ vai gáy do phải làm việc với máy tính trong thời gian dài, căng thẳng.
- Đau dây thần kinh liên sườn: Thường gặp ở những người thường xuyên phải mang vác các vật nặng…
- Đau dây thần kinh toạ: Hay gặp ở lứa tuổi trung niên và người cao tuổi.
- Đau khớp : Đau mạn tính kéo dài ở người cao tuổi, đau do chấn thương ở giai đoạn hồi phục.
- Đau cơ: Do ngồi, nằm sai tư thế thường được kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt
- Đau bụng kinh.
Ngoài ra chườm nóng còn được sử dụng kết hợp với các phương pháp xoa bóp, vận động để điều trị hay phục hồi vận động của các chi.
Một số trường hợp không được áp dụng chườm nóng
- Các vết thương hở, chảy máu, hoặc đang trong quá trình nung mủ
- Các vùng da đang bị giãn tĩnh mạch ( nổi nhiều gân xanh )
- Các chấn thương mới đang có bầm tím < 48h ( Nên áp dụng chườm lạnh)
- Người đang bị Lao
- Tại vị trí có khối u ác tính
Cách làm túi chườm nóng tại nhà
Có rất nhiều phương pháp làm túi chườm nóng tiện lợi mà không kém phần hiệu quả mà chúng ta có thể áp dụng ngay tại nhà hoặc nơi công sở
1.Làm túi chườm từ chai nước
Phương pháp này rất đơn giản, có thể áp dụng ở mọi nơi.
- Dụng cụ: Bình nước bằng kim loại có nắp chặt, kích thước vừa phải, nhỏ gọn dễ cầm, nước nóng (70-100 độ C), khăn bông
- Cách làm :
+ Kiểm tra xem chai nước khi nắp lại có bị chảy nước ra ngoài không bằng cách đổ nước ở nhiệt độ thường vào bình (Cần kiểm tra kỹ tránh nguy cơ bị bỏng do nước nóng rỉ ra ngoài) Sau đó đổ toàn bộ nước thử đi.
+ Đổ nước nóng đầy 2/3 bình nước
+ Cuốn khăn bông xung quanh chai chườm để điều chỉnh nhiệt độ, tránh bị bỏng. Chườm lên vị trí đau mỏi và thư giãn trong 25-30 phút. Nếu muốn chườm tiếp cần thay nước để đảm bảo nhiệt độ khi chườm.
Ảnh minh họa.
2.Làm túi chườm từ muối, gạo rang
Muối và gạo rang nóng cho vào túi vải kèm theo một số hương liệu như hoa cúc, ngải cứu, không chỉ giúp chườm giảm đau mà còn giúp cơ thể được thư giãn.
- Cách làm:
+ Chuẩn bị:
100 g gạo
1 bát con muối tinh hạt to
1 bó ngải cứu ( ngải cứu già tốt hơn ngải cứu tươi)
Có thể chuẩn bị thêm hương liệu khác như hoa cúc khô, bạc hà khô.
1 chiếc khăn bông vuông to 50x50cm ( dùng để bọc nguyên liệu)
+ Sơ chế:
Ngải cứu nhặt bỏ lá héo úa sau đó rửa sạch, cắt khúc nhỏ từ 3-5 cm. Để ráo nước
Rang gạo đến khi chuyển màu vàng nhạt, đổ tiếp muối vào rang cho đến khi hạt muối cô lại thì đổ tiếp ngải cứu vào sao đến khi ngải cứu chín, cho tiếp hương hiệu như hoa cúc và bạc hà đảo đều để tạo mùi thơm.
Đổ hỗn hợp vừa sao chín vào khăn bông đã chuẩn bị sẵn rồi buộc chặt lại. Lưu ý buộc khăn lại thành hình cái túi để nguyên liệu không rơi ra ngoài
+ Tiến hành chườm:
Kiểm tra nhiệt độ của túi chườm, nếu thấy nóng quá có thể bọc thêm khăn.
Đặt túi chườm lên vị trí đau và chườm liên tục trong 25-30 phút. Nếu muốn chườm thêm tại vị trí vừa chườm, bạn nên chờ thêm 10-20 phút để da hồi phục. Hoặc có thể đổi vị trí chườm.
Nên đổ nguyên liệu ra rang lại cho nóng để những lần chườm sau được hiệu quả hơn. Một túi chườm hanmade này có thể dùng được trong 7 ngày. Lưu ý khi dùng xong cần để túi chườm nơi khô ráo để tránh bị mốc hỏng nguyên liệu bên trong.
3. Chườm bằng túi chườm điện
Hiện nay các sản phẩm túi chườm điện được bán rộng rãi trên thị trường. Sử dụng túi chườm điện vừa tiện lợi lại dùng đi dùng lại được nhiều lần. Có nhiều kiểu dáng khác nhau phù hợp với các vùng chườm chuyên biệt như (Túi chườm vai gáy, túi chườm đầu gối, áo chườm).
Các lưu ý khi chườm nóng
Thời gian chườm mỗi lần không quá 60 phút. Nếu chườm lâu các lỗ chân lông tại vùng da chườm giãn nở trong khoảng thời gian dài tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
Chú ý kiểm tra nhiệt độ túi chườm trước khi chườm tránh bị bỏng. Nhiệt độ thích hợp để chườm lên da là từ 43-45 độ nhiệt độ cao là 50-60 độ. Không nên chườm quá nóng gây bỏng.
Khi chườm ở đầu cần lưu ý nhiệt độ không được quá nóng. Sau khi chườm nên nằm nghỉ ngơi ở nơi kín gió. Nên chườm sau khi tắm và tránh đi ra ngoài trời lạnh sau khi chườm vì dễ gây nên cảm lạnh.
Sau khi chườm nóng xong nên bôi chút kem dưỡng ẩm lên vị trí da chườm để ra không bị khô, nứt nẻ vào mùa đông.
Chúc bạn có được thời gian thư giãn với túi chườm nóng tại nhà.
Nguyễn Thị Thu Trang – Giảng viên thực hành khoa Điều dưỡng