Đại học Đại Nam không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng bài giảng của giảng viên

Hội thảo nhằm: nhìn nhận, đánh giá khách quan về thực trạng chất lượng bài giảng tại các khoa trong nhà trường; tạo diễn đàn để trao đổi, nhân rộng, lan tỏa các phương pháp giảng dạy – quản lý lớp – truyền lửa – đánh giá sinh viên hiệu quả, tích cực; mang đến cơ hội giao lưu, học hỏi để giảng viên nâng cao chất lượng bài giảng; đảm bảo chuẩn đầu ra môn học theo năng lực; nâng cao chất lượng đào tạo; phát huy sáng kiến và trách nhiệm của giảng viên trong việc tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng bài giảng; đề xuất các giải pháp thiết thực, có hiệu quả để góp phần nâng cao chất lượng bài giảng trong Nhà trường.
Đánh giá về chất lượng Hội thảo của các khoa, TS. Lê Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng cho biết: “Các khoa tổ chức Hội thảo nghiêm túc, công phu, tâm huyết, có các bài tham luận tốt cả về số lượng, chất lượng và có tính ứng dụng thực tế cao. Các bài tham luận đã phân tích đúng đối tượng người học và nêu đúng thực trạng chất lượng của sinh viên, của đặc thù nhóm ngành, khối ngành mà giảng viên tham gia giảng dạy, có nhiều ý kiến đề xuất để thay đổi phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng bài giảng...”
Từ những kết quả đạt được, Ban Giám hiệu chắt lọc, tổng hợp và đưa ra nhiều gợi ý nội dung cần thiết để xây dựng một bài giảng chất lượng. Cụ thể:
Phần mở đầu (từ 5 đến 10 phút) cần nêu rõ tiêu đề, mục tiêu bài học, các năng lực nào sinh viên Phải đạt được- Cần đạt được - Nên đạt được.
Trong trường hợp nội dung bài giảng có liên quan đến kiến thức các bài trước hoặc các học phần đã học thì dành một thời lượng giúp sinh viên ôn lại các kiến thức này.
Bên cạnh đó, giảng viên cần nêu cấu trúc, nội dung chính của bài giảng theo từng phần: nêu được các yêu cầu chính sinh viên cần đạt được sau mỗi phần; Nêu ra các phương pháp, hoạt động giảng dạy và học tập: nhằm khuyến khích, thúc đẩy động cơ học tập; làm cho học viên quan tâm, chú ý và tham gia vào bài giảng.
Gợi ý và thảo luận về chiến lược để thúc đẩy động cơ học tập:
- Biểu lộ thái độ nhiệt tình với chủ đề.
- Gắn mục tiêu của bài giảng với nhiệm vụ cụ thể của người học.
- Liên hệ với các môn học khác; Liên hệ với thực tiễn.
- Sử dụng các phương tiện hỗ trợ (Đa phương tiện).
- Sử dụng một hoặc kết hợp các phương pháp: giới thiệu, làm quen, trò chơi khởi động, đặt câu hỏi thăm dò ....
Phần hoạt động giảng dạy chính
Với nội dung lí thuyết:
Chia nội dung trình bày thành những phần chính dựa theo các mục tiêu học tập. Thời lượng từng phần khoảng 5’-10’-15’.
Sắp xếp và trình bày nội dung theo các mức độ: Phải đạt được- Cần đạt được - Nên đạt được.
Xác định phương pháp dạy học thích hợp đối với từng phần nội dung: Thảo luận nhóm, thuyết trình nhóm, tình huống (case study), đóng vai, lớp học đảo ngược.... Qua đó xác định rõ những hoạt động dạy - học cần thiết tương ứng với các nội dung.
Xác định rõ các phương tiện, dụng cụ giảng dạy sẽ sử dụng: thuyết trình thu hút, trình bày bảng, trình chiếu Slide logic, rõ ràng. Sử dụng các hình ảnh minh họa đẹp, sát thực với nội dung ....
Nêu rõ các hoạt động tương ứng của học viên (nội dung, yêu cầu, kết quả cần có ...): xây dựng các nhóm học tập, phân chia các vị trí trong nhóm, không để tất cả các thành viên giỏi/ kém trong cùng một nhóm ….
Xác định các phương án phản hồi cho sinh viên.
Phương pháp đánh giá sinh viên sau mỗi phần, mỗi giờ, mỗi chương; Phương án sử dụng kết quả đánh giá trong việc điều chỉnh nội dung, phương pháp và kế hoạch giảng dạy phù hợp với sinh viên.
Với các nội dung thực hành:
- Giới thiệu toàn bộ thao tác.
- Làm mẫu (trực tiếp hoặc mô phỏng) có thể kết hợp với giải thích.
- Hỏi đáp, giải đáp những thắc mắc của người học.
- Học viên thực hành thao tác.
- Giảng viên/ sinh viên nhận xét, đánh giá.
- Chỉ ra các kiến thức, kĩ năng cần lượng giá trong quá trình học.
- Nêu rõ cách lượng giá học viên trong quá trình học.
Phần kết thúc (Độ dài của phần kết luận khoảng 5- 10 phút):
- Tóm tắt lại kết quả nội dung của bài giảng theo mục tiêu.
- Thu nhận thông tin phản hồi.
- Nhận xét xem đã đạt được mục tiêu bài học.
- Lượng giá nhanh bài học (nếu có).
- Giới thiệu nội dung bài tiếp theo. Giao nhiệm vụ về nhà.
Về phương pháp kiểm tra, đánh giá hiệu quả
Phương pháp kiểm tra, đánh giá phải phù hợp nội dung và phương pháp giảng dạy của học phần; có khả năng phải phân loại được sinh viên, đánh giá được mức độ tiếp thu và năng lực của sinh viên.
Là một công cụ có khả năng giúp sinh viên tự đánh giá, tạo hứng khởi cho sinh viên trong việc học đảm bảo quá trình đánh giá khách quan, minh bạch, công bằng.
Phương pháp đánh giá phải kiểm tra được khả năng hiểu và biểu đạt vấn đề; khả năng vận dụng, phân tích, tư duy tổng hợp và liên hệ thực tế. Đặc biệt là phương pháp đánh giá phải phù hợp với mục tiêu đạt được của học phần và Chương trình đào tạo của các ngành.
Các công việc cần triển khai sau hội thảo cho năm học 2021-2022
Về Phía Khoa
- Lãnh đạo các Khoa thông qua các buổi họp giao ban tuần, tháng, triển khai công việc này đến tất cả giảng viên và các giảng viên phải thực hiện.
- Lãnh đạo các Khoa có kế hoạch kiểm tra, dự giờ, đánh giá nhận xét kết quả ngay sau buổi giờ dự giờ;
- Cuối học kỳ của từng học phần, từng giảng viên thực hiện như thế nào so với những yêu cầu về bài giảng chất lượng mà nhà trường đã kết luận sau hội thảo; Sản phẩm của học phần có được cải tiến so với trước? Phải đánh giá được hoạt động này bằng các con số: Kết quả học tập của SV? phản ảnh của SV? Kết quả khảo sát sinh viên.
- Với các Giảng viên có kinh nghiệm, dạy giỏi, có các bài giảng hay, thu hút, được sinh viên đánh giá cao; Lãnh đạo Khoa triển khai cho các giảng viên tuổi nghề còn ít dự giờ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau…Coi đây là 1 nội dung sinh hoạt chuyên môn bắt buộc của Khoa.
Về phía Nhà trường
- Mời chuyên gia giảng dạy để hỗ trợ các giảng viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy về Phương pháp giảng dạy Đại học.
- BGH nhà trường sẽ trực tiếp trao đổi với các giảng viên về Chương trình đào tạo, Đề cương chi tiết, Kế hoạch xây dựng bài giảng để các giảng viên có cái cái nhìn tổng thể về liên kết của 3 mục này (có nhiều bài giảng tốt sẽ có học phần tốt, học phần tốt sẽ có CTĐT tốt).
- Ban giám hiệu sẽ có kế hoạch triển khai “ Giờ giảng mẫu”, để giảng viên trẻ dự giờ, học hỏi giảng viên có kinh nghiệm, để chất lượng bài giảng không ngừng được nâng cao.
Ban TT