Dịch tễ học Covid -19 ở trẻ em: Sự khách biệt về dấu hiệu lâm sàng so với người lớn

Covid-19 là gì?
Covid-19 là gì? COVID-19 là viết tắt của "Bệnh coronavirus 2019", gây ra bởi một loại vi-rút có tên là SARS-CoV-2. Loại virus này xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019, và nhanh chóng lây lan khắp Thế giới. Đây là một loại virus mới nên sự hiểu biết về loại virus này chưa được biết đầy đủ, về sự lây lan, gây bệnh, khả năng đột biến …
Dịch tễ học Covid-19 ở trẻ em
Tỷ lệ nhiễm covid ở trẻ em có sự thay đổi giữa các Quốc gia, các châu lục từ 2020 so với 2021.
Vào năm 2020 Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC Mỹ) đã báo cáo có 2.572 (1,7%) trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 trong số 149.082 ca nhiễm từ ngày 12 tháng 2 đến ngày 2 tháng 4 năm 2020. Ba trường hợp tử vong đã được báo cáo cho CDC. Độ tuổi trung vị là 11 và 57% là trẻ trai. 15 trẻ em phải chuyển vào ICU (≤2%). Trẻ <1 tuổi chiếm tỷ lệ nhập viện cao nhất (15-62%).
Dữ liệu của Ý được công bố vào ngày 18/3/2020 cho thấy chỉ có 1,2% là trẻ em trong tổng số 22.512 trường hợp mắc COVID-19; không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận trong nghiên cứu này và 1 nghiên cứu đoàn hệ ở Madrid, Tây Ban Nha.
Ảnh minh họa.
Hệ thống giám sát Châu Âu (TESSy) thu thập dữ liệu từ các quốc gia Châu Âu và Vương quốc Anh về các ca nhiễm COVID-19 được xác nhận bởi phòng thí nghiệm. Trong số 576.024 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận bởi phòng thí nghiệm, 0.7% ca nhiễm từ 0-4 tuổi, 0.6% từ 5-9 tuổi, 0.9% từ 10-14 tuổi.
Báo cáo từ CDC Trung Quốc (Dong 2020=18) bao gồm 2.143 bệnh nhi từ ngày 16/1/2020 đến 8/2/2020. Chỉ có 731 trẻ em (34,1%) được xác nhận chẩn đoán bằng xét nghiệm. Độ tuổi trung vị là 7 với 56,6% trẻ trai, dưới 5% được phân loại là bệnh nặng và dưới 1% là nguy kịch.
Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật Hàn Quốc vào ngày 20/3/2020 đã báo cáo rằng 6,3% trong tổng số các trường hợp mắc COVID-19 là trẻ em dưới 19 tuổi; bên cạnh đó, trẻ em được ghi nhận là chỉ mắc bệnh nhẹ.
Năm 2021 số ca mắc COVID-19 ở những người dưới 18 tuổi tại Indonesia đã tăng 12,5% trong tháng 6/2021. Tiến sĩ Aman Pulungan, người đứng đầu Hiệp hội Nhi khoa Indonesia cho biết, số ca mắc COVID-19 ở những người dưới 18 tuổi của Indonesia đã tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một tháng. Từ ngày 28/6 đến ngày 4/7, có 11.872 trẻ em Indonesia mắc COVID-19, nâng tổng số trẻ nhiễm bệnh ở quốc gia này lên 26.000 trường hợp, trong đó có 600 ca đã tử vong.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số trẻ em mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch này đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Từ 5/7 tới 30/7/2021, có tới khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ từ 0-5 tuổi. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC). Tính đến 19/8/2021, có 1.937 trẻ em dưới 16 tuổi (5,8%).
Triệu chứng lâm sàng nhiễm Covid ở trẻ em có gì khác so với người lớn?
Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm COVID-19. Trẻ em ít có khả năng bị bệnh nặng hơn người lớn, nhưng vẫn có thể xảy ra. Các bằng chứng gần đây cho thấy trẻ em có thể có tải lượng virus trong đường hô hấp trên tương tự như người lớn, vì vậy trẻ nhiễm bệnh có thể lây virus cho người khác.
Trẻ em bị COVID-19 cũng có thể có những triệu chứng tương tự như ở người lớn nhưng thường nhẹ hơn. Các triệu chứng cho trẻ em bao gồm:
- Sốt hoặc ớn lạnh, ho, viêm họng, đau mỏi người, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, khó thở, tiêu chảy…
- Sốt và ho là những triệu chứng COVID-19 phổ biến ở cả người lớn và trẻ em; khó thở dễ gặp ở người lớn. Trẻ em có thể bị viêm phổi, có hoặc không có các triệu chứng rõ ràng. Trẻ cũng có thể bị đau họng, mệt mỏi quá mức hoặc tiêu chảy.
Phân loại Covid-19 ở trẻ em
Phân loại theo 5 mức độ.
1. Không triệu chứng: là những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm realtime RT-PCR dương tính, nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
2. Mức độ nhẹ: Viêm đường hô hấp trên cấp tính, có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
3. Mức độ vừa: Viêm phổi mức độ trung bình, sốt và ho, ho có đàm, khò khè, trẻ nhỏ có thể thở nhanh và khó thở.
4. Mức độ nặng: Viêm phổi nặng, sốt cao, ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, thở rên, tím tái, độ bão hoà oxy dưới 93%, trẻ lơ mơ, không thể uống hoặc bú được, rối loạn ý thức (li bì hoặc hôn mê); co giật.
5. Mức độ nguy kịch: Tiến triển nhanh chóng nguy kịch đến hội chứng suy hô hấp cấp ARDS, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
Ảnh minh họa.
Covid - 19 có gây nên các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em?
- Các triệu chứng bệnh nghiêm trọng có thể gặp ở trẻ em có bệnh kèm theo như rối loạn di truyền, bệnh lý thần kinh nặng, bệnh tim bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm, béo phì, tiểu đường, bệnh thận mãn tính, hen suyễn và các bệnh phổi khác hoặc hệ thống miễn dịch của trẻ kém.
- Hội chứng viêm hệ thống tạm thời ở trẻ em liên quan với SARS-CoV-2 (PIMS-TS) (hoặc hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) hoặc có triệu chứng tượng tự bệnh Kawasaki. Điều này có thể dẫn đến đe dọa tình mạng nếu tổn thương các cơ quan không được điều trị nhanh chóng.
Tháng 4 năm 2020, các nhà lâm sàng học từ Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đã báo cáo về các trẻ em mắc hội chứng viêm nặng có triệu chứng bệnh giống bệnh Kawasaki, một số trẻ có kết quả dương tính với CoV-2, số còn lại thì không [8]. Hiện tại, mối liên quan về sinh lý bệnh giữa viêm nhiễm do COVID-19 và bệnh kawasaki vẫn chưa rõ ràng, vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra MIS-C và ai là người có nguy cơ mắc hội chứng này.
Triệu chứng bao gồm: Sốt kéo dài, đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy, phát ban, kết mạc mắt đỏ, môi đỏ, nứt nẻ, lưỡi đỏ hơn bình thường giống quả dâu tây, sưng bàn tay, bàn chân, hạch bạch huyết vùng cổ, nhức đầu, rối loạn hành vi, lú lẫn, khó thở, có bằng chứng của nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hoặc tiếp xúc gần với người mắc COVID-19.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2)
2. CDC COVID-19 Response Team. Coronavirus Disease 2019 in Children – United States, February 12-April 2, 2020. MMWR Morb Mortal Wkly Rep. 2020 Apr 10;69(14):422-426.
3. CDC (2). Considerations for Inpatient Obstetric Healthcare Settings. April 2020.
4. European Centre for Disease Prevention and Control. Paediatric inflammatory multisystem syndrome and SARS-CoV-2 infection in children – 15 May 2020. ECDC: Stockholm; 2020.
5. https://mangyte.vn/new-indonesia-co-ty-le-tre-em-mac-covid19
6.https://covid19.gov.vn/khoang-5-tong-so-ca-mac-covid-19-o-ha-noi-la-tre-duoi-5-tuoi.
7. https://tuoitre.vn/tp-hcm-co-1-937-tre-em-duoi-16-tuoi-mac-covid-19
8. Jones VG, Mills M, Suarez D, et al. COVID-19 and Kawasaki Disease: Novel Virus and Novel Case. Hosp Pediatr. 2020 Apr 7:hpeds.2020-0123.
9.Livingston E, Bucher K. Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) in Italy. JAMA. 2020 Mar 17. pii: 2763401.
10.Lu X, Zhang L, Du H, et al. SARS-CoV-2 Infection in Children. N Engl J Med. 2020 Mar 18.
PGS. TS Phạm Trung Kiên – Trợ lý Chủ tịch Hội đồng trường về ngành Y