DNU - trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đưa môn Thực tập CNTT vào chương trình đào tạo

Một trong những thách thức lớn nhất đối với sinh viên Công nghệ thông tin (CNTT) mới tốt nghiệp là không có kỹ năng làm việc thực tế. Điều đó hạn chế các cơ hội tìm việc làm tốt của sinh viên, thậm chí có thể ảnh hưởng tới cả cuộc đời. Có kinh nghiệm thực hành sẽ cho phép sinh viên tìm được những công việc ổn định, đúng sở thích và thu nhập cao.
Chính thức đưa môn Thực tập CNTT vào chương trình đào tạo
Bắt đầu từ K15 (niên học 2021-2022), sinh viên ngành CNTT trường Đại học Đại Nam sẽ được học môn Thực tập CNTT. Đại Nam sẽ là trường đầu tiên tại Việt Nam đưa môn này vào chương trình đào tạo như một môn học bắt buộc và độc lập. Mỗi tuần sinh viên CNTT sẽ làm việc tại Xưởng Thực hành một ngày 8 tiếng như một kỹ sư hoặc nhà nghiên cứu công nghệ thực thụ.
Thực tập CNTT là học phần 4 tín chỉ nhằm dạy sinh viên các tri thức công nghệ và kỹ năng làm việc cần thiết để sinh viên có thể làm việc tại các công ty phần mềm, các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ, các dự án và các bộ phận phụ trách CNTT tại doanh nghiệp. Các tri thức và kỹ năng này cũng cho phép sinh viên hiểu biết sâu sắc các khái niệm trừu tượng trong các môn học tiếp theo và sau này trong các chương trình cao học.
Đại học Đại Nam là trường đại học đầu tiên đưa môn Thực tập CNTT vào chương trình đào tạo.
Sinh viên được gì với môn Thực tập CNTT?
Năm thứ nhất, sinh viên sẽ được học các kỹ năng thực hành, như: Sửa chữa bảo dưỡng máy tính, điện thoại di động, thiết bị văn phòng; thiết kế quản trị mạng LAN cho doanh nghiệp, cài đặt, đánh giá và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng phần mềm; xây dựng các trang thông tin trực tuyến, khai thác các nguồn tài nguyên trên mạng để kinh doanh, quảng cáo trực tuyến, xây dựng các Website; cài đặt các công cụ bảo mật và khắc phục các sự cố máy tính và mạng.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng được huấn luyện một số kỹ năng kiểm thử phần mềm cơ bản, làm chủ các công cụ phát triển phần mềm và quản trị mạng.
Sau năm thứ nhất, sinh viên CNTT Đại Nam có thể học thêm 3 tuần, lấy chứng chỉ để hoàn toàn đủ năng lực làm việc với tư cách kỹ thuật viên CNTT, chuyên viên phân tích ứng dụng tại các công ty.
Năm thứ hai, sinh viên sẽ được tiếp tục huấn luyện các kỹ năng và làm quen với các công cụ cần thiết để tham gia vào các dự án phát triển phần mềm thực sự và nghiên cứu các công nghệ tiên tiến nhất trong môn thực hành.
Sau năm thứ hai với hơn 200 “giờ bay” lập trình, sinh viên có thể lấy chứng chỉ “Lập trình viên” để bắt đầu đi làm thêm, có thu nhập trong các chương trình hợp tác với doanh nghiệp hoặc các dự án phát triển công nghệ và sản phẩm của Khoa.
Năm thứ ba, sinh viên sẽ được sử dụng các công cụ thiết kế, vá lỗi, nâng cao hiệu năng và được các thầy có kinh nghiệm truyền các thủ thuật thực hành để có thể sáng tạo ra các phần mềm tốt, thông minh đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Cuối năm thứ ba, sinh viên có thể lấy chứng chỉ “Nhà thiết kế” để tham gia các dự án phát triển phần mềm ở vai trò cao hơn.
Năm thứ tư, sinh viên sẽ được học các kỹ năng thực hành, nắm vững các công cụ tích hợp hệ thống. Khi tốt nghiệp chương trình học 4 năm, bên cạnh bằng Cử nhân, sinh viên có thể dự thi sát hạch để lấy thêm chứng chỉ tay nghề “Kiến trúc sư hệ thống”. Trong quá trình học và sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể lấy thêm các khóa đào tạo chuyên gia công nghệ ngắn hạn ngoại khóa và sử dụng các phương tiện thực tập của Trường, để lấy các chứng chỉ “Chuyên gia công nghệ” theo các hướng khác nhau.
Các công nghệ hàng đầu hiện nay của các công ty đa quốc gia, như: Cisco, Amazon, IBM, Microsoft, Google,… sẽ được đào tạo với cơ hội thực hành tại Đại Nam trong các khóa đào tạo ngắn hạn ngoại khóa như vậy. Các khóa học này sẽ mở cho sinh viên các trường khác, các kỹ sư đã làm việc cho doanh nghiệp muốn cập nhật kiến thức.
Như vậy, sinh viên Đại Nam sẽ có cơ hội tiếp xúc và làm quen với các thế hệ đàn anh và các bạn khắp nơi về Đại Nam học thêm các kỹ năng chuyên gia tại trường.
Môn Thực tập CNTT được triển khai đầu tiên tại Trường Đại học Đại Nam và hiện nay là duy nhất tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trang bị cho sinh viên CNTT kinh nghiệm và kỹ năng làm việc trong công nghiệp phần mềm. Đối với các sinh viên có nhu cầu tiếp tục học lên cao, các kỹ năng tự nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và các kinh nghiệm thực tế sẽ là hành trang vô giá cho con đường chinh phục các đỉnh cao khoa học công nghệ.
PGS. TS Nguyễn Ái Việt - Trưởng khoa CNTT Trường Đại học Đại Nam,
nguyên Viện trưởng Viện CNTT ĐHQGHN