Giảng viên khoa Y Đại học Đại Nam “giải mã” rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em

Tại Mỹ, tỉ lệ mắc tự kỷ những năm 60 của thế kỷ XX là 1/2500 trẻ, đến năm 2000 tỉ lệ này là 1/150, đến năm 2010 là 1/68 trẻ và năm 2015 là 1/45 trẻ.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng nhiều, số trẻ tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với năm 2000; số trẻ đến điều trị tự kỷ năm 2007 tăng gấp 33 lần so với năm 2000.
Nghiên cứu của một số tác giả năm 2014 (Nguyễn Thị Hương Giang, Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hoàng Yến) thấy tỉ lệ mắc tự kỷ trẻ em dao động trong khoảng 4-5‰. Nghiên cứu của Hoàng Văn Minh (năm 2019) trên phạm vi toàn quốc tỉ lệ mắc tự kỷ trẻ em Việt Nam là 7,6‰. Cho đến nay nguyên nhân của tự kỷ vẫn còn chưa được xác định, chỉ có một số giả thuyết như do nhiễm độc, do tổn thương não, do môi trường, do di truyền….
Nghiên cứu của nhiều tác giả cho thấy việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa rất quan trọng, nếu được phát hiện sớm sẽ có nhiều cơ hội (30%) hòa nhập xã hội.
Tại các nước phát triển, tự kỷ có thể được chẩn đoán rất sớm ngay trong những tháng đầu đời nhờ việc tầm soát và sử dụng các công cụ sàng lọc phát hiện sớm tự kỷ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhận thức về tự kỷ còn nhiều sai lệch, ngay cả các bác sỹ Nhi khoa chưa hiểu rõ về tự kỷ và không có các kỹ năng chẩn đoán sớm. Đây cũng là nguyên nhân trẻ tự kỷ thường được phát hiện muộn sau 36 tháng tuổi.
Nhiều nghiên cứu thấy cha mẹ của trẻ có vai trò rất lớn trong phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu “cảnh báo” tự kỷ, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi sàng lọc tự kỷ bằng các công cụ chuyên biệt.
Ảnh minh họa.
Những dấu hiệu “cảnh báo” tự kỷ ở trẻ, như: không có giao tiếp mắt, không trả lời khi gọi tên, không đáp lại sự âu yếm, không bắt chước, không chơi với người khác, không bập bẹ khi 12 tháng tuổi, chưa nói được từ đơn khi 16 tháng, nói chưa rõ nghĩa khi 24 tháng, mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng xã hội ở bất cứ lứa tuổi nào. Trái ngược với sự thờ ơ, chủ quan với tự kỷ, nhiều trẻ bị chẩn đoán tự kỷ một cách thái quá.
Tại Việt Nam, chưa có sự phối hợp giữa các ngành có liên quan dẫn đến thiếu sự thống nhất về cách tiếp cận, quan điểm chẩn đoán, can thiệp và chăm sóc trẻ tự kỷ. Chẩn đoán tự kỷ có tình trạng “chẩn đoán muộn, bỏ sót” hoặc “chẩn đoán thái quá”.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, chẩn đoán rối loạn phát triển của trẻ (bao hàm tự kỷ), cần có 5 chuyên gia được đào tạo về lĩnh vực tâm lý/tâm thần trẻ em như bác sỹ tâm bệnh nhi, chuyên gia tâm lý trẻ em, giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt, cán bộ trị liệu về ngôn ngữ/hoạt động trị liệu…., theo tiêu chuẩn của Mỹ là 6 chuyên gia đánh giá độc lập trẻ trong các môi trường khác nhau bao gồm bệnh viện, gia đình và cộng đồng.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp can thiệp tự kỷ, nhưng tựu chung là các phương pháp y sinh (sử dụng hóa dược, chế độ dinh dưỡng, vật lý trị liệu, tế bào gốc….), phương pháp tâm lý-giáo dục (trị liệu phân tâm, tâm vận động, trị liệu ngôn ngữ, phương pháp giáo dục đặc biệt như ABA, TEACCH, PECS, PCS, FLOORTIME…) và một số phương pháp khác như động vật trị liệu, thủy trị liệu, âm nhạc trị liệu…
Tuy nhiên, kết quả của các phương pháp can thiệp còn rất hạn chế, các bậc cha mẹ phải hết sức kiên trì, cần dành nhiều thời gian và tốn kém kinh phí, không những vậy còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của gia đình có con mắc tự kỷ. Nếu không may có đứa con mắc tự các bậc cha mẹ sẽ vô cùng vất vả, đứa trẻ sẽ may mắn và có thể có được cuộc sống gần với bình thường nếu có sự đồng hành của cha mẹ, người thân và cả xã hội.
Chia sẻ với những gia đình có con mắc chứng tự kỷ, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 02 tháng 4 hàng năm là ngày “Thế giới nhận thức chứng tự kỷ”, với mục đích kêu gọi các nước tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này. Mỗi chúng ta hãy hành động ngay vì trẻ tự kỷ với thông điệp “Trẻ tự kỷ không thể đợi chờ”.
PGS. TS Phạm Trung Kiên