Với mục tiêu “học đi đôi với hành, lý thuyết kết hợp với thực tiễn”, Đại học Đại Nam đã đạt được nhiều thành tích trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Ở Đại Nam, tất cả các môn học đều chiến đến 70% thời lượng chương trình giảng dạy là thực hành, thực tế. Đó chính là điểm khác biệt tại Đại học Đại Nam. Đặc biệt, với chuyên ngành Quan hệ công chúng và truyền thông (Public Relation – PR) thì việc kết hợp lý thuyết với thực hành là điều rất cần thiết. Sinh viên khoa PR, trường Đại học Đại Nam trong quá trình học sẽ được trải nghiệm thực tế, tổ chức và tham gia các sự kiện, lấy tin viết bài như một cán bộ truyền thông, một phóng viên chuyên nghiệp.
Sau mỗi môn học đều để lại cho sinh viên những cảm nhận mới. Bạn Nguyễn Thu Hiền, lớp PR 0701 đã có những chia sẻ về chuyến đi thực tế, lấy tin để hoàn thành bài tập của Môn “Viết tin, bài PR”. Dưới đây là những cảm nhận của Thu Hiền về phương pháp học thực tế hiệu quả:
Nhận bài tập và hướng dẫn của cô Lê Thị Nhã - giảng viên môn “Viết tin, bài PR”, nhóm chúng tôi đã nhanh chóng lên kế hoạch thực hiện. Nhiệm vụ của nhóm tôi là làm một chuyên đề PR cho làng Diềm quan họ Bắc Ninh.
Tác nghiệp hăng say
Điểm dừng chân đầu tiên của nhóm là đền Cùng – giếng Ngọc và quần thể đền thờ bà Thủy Tổ Quan họ, nơi tinh hoa và sản sinh ra nghề hát Quan họ.
Mặc dù trước khi đi chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ về địa điểm thực tế, nhưng lần đầu tiên đặt chân đến nơi này, mọi người trong nhóm đều rất lo lắng về nhiệm vụ được giao. Liệu có thu thập được những thông tin độc đáo, hấp dẫn cho bài viết của mình hay không? Liên hệ với các nghệ nhân để phỏng vấn như thế nào? Việc khai thác các nguồn tin sẽ thuận lợi hay khó khăn?... Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những người làng quan họ cởi mở, thân thiện nơi đây, mọi lo lắng của chúng tôi đã vơi dần.
Điều “yêu” nhất ở làng quan họ này là nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt hiền lành, hiếu khách của người dân. Họ ân cần giúp đỡ tận tình khi chúng tôi hỏi đường, địa chỉ của người cần tìm hiểu. Bác trông coi đình làng, bác bảo vệ của đền đã tự nguyện trở thành người “thiết kế tour chuyên nghiệp” chúng tôi muốn hiểu thêm về lịch sử hay địa danh gắn liền với rất nhiều câu chuyện cổ dân gian được lưu truyền lâu đời tại làng Diềm. Họ sẽ nhiệt tình tư vấn cho các bạn cần tìm đến ai để nghe được những câu quan họ hay nhất, bạn nên tham quan điểm di lịch này từ đâu, bạn sẽ được biết thêm gì từ đó…
Theo lời của cụ Từ, đền bà Thủy Tổ đã giới thiệu, chúng tôi tìm đến cụ Nguyễn Thị Bàn, một nghệ nhân nổi tiếng về hát quan họ để tìm hiểu về sự ra đời của những làn điệu quan họ. Cuộc nói chuyện diễn ra chính tại nhà riêng của bà Bàn, trong không gian ấm cúng, thân mật chúng tôi tưởng như mình là những người thân trong gia đình bà vậy. Không khí của cuộc phỏng vấn nhằm thu thập thông tin đã trở thành một cuộc nói chuyện gần gũi, cởi mở. Bà vui vẻ và kể rành mạch hết các câu chuyện xung quanh sự tích của nghề hát quan họ. Chúng tôi ngồi xung quanh chăm chú lắng nghe và không quên ghi lại những thông tin cần thiết để phục vụ cho phần bài tập của mỗi thành viên…
Kết quả xứng đáng
Một ngày đi thực tế, chúng tôi trở về Hà Nội với một tâm trạng rất tự tin về tư liệu và các thông tin đã thu được để viết tin, bài. Mỗi bài viết của chúng tôi đều thể hiện sự tâm huyết với đề tài tìm hiểu. Nhưng để đạt được kết quả cao nhất thì bài viết của chúng tôi sẽ phải vượt qua một lượt kiểm tra và đóng góp ý kiến từ giảng viên bộ môn để hoàn thiện ra sản phẩm chất lượng nhất.
Trong buổi nhận xét bài tập, sản phẩm của chúng tôi đã được giảng viên ghi nhận và đánh giá cao về phần nội dung cũng như hình thức.
Đây là một cách học giúp việc học “mềm” ra nhiều, tạo không khí để sinh viên làm tốt phần bài tập được giao. Nhận xét về phương pháp học này, bạn Nguyễn Phương Thảo – PR7 khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông chia sẻ : “Qua chuyến đi thực tế này, mình nhận thấy đây là một phương pháp học rất hữu ích, giúp cho bọn mình có thể tiếp cận trực tiếp với vấn đề tìm hiểu, cũng dễ hơn trong việc thu thập thông tin để làm tư liệu viết bài, mang lại hiệu quả và kết quả cao cho phần bài viết của mình”.
Còn bạn Nguyễn Thị Quyên – PR7 cũng hào hứng : “Mình thực sự rất muốn có thêm nhiều buổi học thực tế như thế này, vừa học lại vừa được tham quan, du lịch tới nơi mình yêu thích. Những buổi đi thực tế thế này cho mình áp dụng những kiến thức và nghiệp vụ được học trên lớp vào thực tế, làm cho việc học trở nên dễ dàng hơn mà cũng vui nữa”.
PR luôn là một ngành học thú vị và hết sức năng động. Tôi yêu thích chuyên ngành PR cũng vì điều đó. Qua mỗi môn học tôi cùng bạn bè không chỉ được học những kiến thức cần thiết về truyền thông, về cách lấy tin, viết bài… mà chúng tôi còn được cùng nhau trải nghiệm qua những chuyến đi thực tế để làm bài tập giống như một phóng viên. Tôi nhận ra, việc lựa chọn học chuyên ngành PR, chọn Đại học Đại Nam hoàn toàn là đúng đắn. Đại học Đại Nam sẽ là nơi trang bị hành trang, giúp tôi tự tin trở thành một cán bộ truyền thông trong tương lai
Dưới đây là một số hình ảnh về chuyến đi thực tế tác nghiệp và ra mắt sản phẩm của Nhóm 2, Lớp PR-07(Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông):
Cả nhóm chụp ảnh kỉ niệm với cụ Từ trước khi đi tìm hiểu về quan họ.
Phỏng vấn Nghệ nhân Nguyễn Thị Bà
Chụp ảnh kỷ niệm cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Bà
Cả nhóm sửa bài viết trước phần nhận xét và đánh giá của giảng viên bộ môn
Những phần đóng góp ý kiến của giảng viên được thành viên ghi tay luôn vào phần bài tập của mình để có thể hoàn thiện tốt
Bùi Huyền Trang – thành viên nhóm 1 đang gấp rút cho phần thiết kế phần bài tập của cả nhóm
Cùng xem lại trước khi ra mắt sản phẩm
Các thành viên nhóm 2 đang đóng góp ý kiến với nhóm 1
Buổi nhận xét, cho điểm sản phẩm diễn ra trong không khí sôi nổi
Thu Hiền – PR07