“Mục sở thị” các phương pháp giảng dạy tại Khoa Tài chính – Ngân hàng Đại học Đại Nam

“Đại Nam xác định phải có chất lượng thì mới tồn tại. Và khoa Tài chính - Ngân hàng phải có chất lượng thì mới cạnh tranh được với những cơ sở đào tạo khác. Bởi vậy, là một người thầy, các bạn phải nghe nhiều, đọc nhiều để dung nạp kiến thức; thường xuyên cập nhật các thông tin, xu hướng mới nhất về ngành nghề để nâng cao chất lượng bài giảng”. Đó là chỉ đạo của cô Cao Thị Hòa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng bài giảng của khoa Tài chính – Ngân hàng, sáng 23/6/2021.
Khẳng định giá trị, tầm quan trọng về chất lượng giảng dạy trong hoạt động đào tạo đại học, khoa Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Đại Nam đã thực hiện Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng bài giảng” vào sáng ngày 23/6/2021.
Hội thảo có sự tham dự của Cô Cao Thị Hòa – Phó hiệu trưởng; TS. Lê Thị Thanh Hương – Phó hiệu trưởng; lãnh đạo khoa và cán bộ, giảng viên khoa Tài chính – Ngân hàng.
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng bài giảng” của khoa Tài chính - Ngân hàng.
Đa dạng các phương pháp giảng dạy tích cực tại Khoa Tài chính – Ngân hàng
Mở đầu Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Thu Trang mang đến bài tham luận về phương pháp giảng dạy môn Tài chính Tiền tệ. Theo đó, Thạc sĩ nhận định, bên cạnh chuyên môn, cần phải chú trọng đổi mới phương pháp dạy học để sinh viên chủ động, tích cực và sáng tạo trong học tập. Đồng thời, việc sử dụng các phương pháp phù hợp sẽ tạo hứng thú học tập cho sinh viên; từ đó bồi đắp tình yêu với ngành Tài chính Ngân hàng.
Chia sẻ cụ thể về cách thức giảng dạy, ThS Nguyễn Thị Thu Trang cho biết đã sử dụng 3 phương pháp: Thảo luận nhóm, Thuyết trình và Giải quyết tình huống. Trong đó, thảo luận và thuyết trình nhóm là phương pháp được sử dụng thường xuyên. Phương pháp này không chỉ giúp đề cao tinh thần làm việc nhóm mà còn tạo điều kiện cho sinh viên trau dồi kỹ năng tìm kiếm tài liệu, trình bày trước đám đông, đặt câu hỏi và phản biện lẫn nhau.
Nhờ sự đổi mới về phương pháp giảng dạy, trong năm học 2020 – 2021, kết quả môn Tài chính tiền tệ của lớp TCNH 14.02 có sự cải thiện đáng kể. Cụ thể, trung bình điểm kiểm tra giữa kỳ là 7,55 (tỷ lệ Giỏi là 42,5% và Khá là 32,5%); trung bình điểm thi giữa kỳ là 6,81 (tỷ lệ Giỏi là 10% và Khá là 47,5%).
Kết thúc phần tham luận, cô Trang đề xuất một số giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng bài giảng: Tổ chức 1-2 buổi đi thực tế tại các tổ chức tài chính để tham quan, học hỏi và cảm nhận môi trường làm việc; Mời chuyên gia đến giảng dạy; Đánh giá điểm cá nhân trong bài thuyết trình nhóm dựa vào sự đóng góp thực tế; Có cơ chế thưởng, phạt rõ ràng về nội quy lớp học, thảo luận nhóm.
ThS Nguyễn Thị Thu Trang (giữa) chia sẻ các phương pháp nâng cao chất lượng bài giảng môn Tài chính Tiền tệ.
Đồng quan điểm với cô Trang, ThS. Trần Thị Lan Phương cũng nhấn mạnh cần phải đặc biệt quan tâm đến các phương pháp giảng dạy trong mỗi tiết học. Theo đó, cô Lan Phương đưa ra 4 phương pháp, gồm có: Thuyết giảng; Xây dựng tình huống; Hoạt động nhóm, khăn trải bàn; Đóng vai.
Vẫn đề cao phương pháp hoạt động nhóm, khăn trải bàn; tuy nhiên, thay vì cho tự chọn nhóm, cô Lan Phương yêu cầu sinh viên tự nghiên cứu nội dung bài học và phân nhóm ngẫu nhiên khi lên lớp. Cách làm này giúp sinh viên nâng cao tính tự giác trong học tập, không ỷ lại vào các thành viên trong nhóm.
Ngoài ra, trong mỗi tiết học, nữ giảng viên sẽ đưa ra những tình huống thực tế, dẫn dắt các bài học trong “Tam Quốc” để truyền tải kiến thức kinh tế đến học trò. Với phương pháp này, sinh viên vừa dễ tiếp thu bài giảng, vừa ‘thúc đẩy’ tinh thần ham học, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng bài.
Thuyết giảng; Xây dựng tình huống; Hoạt động nhóm, khăn trải bàn; Đóng vai là các phương pháp được ThS. Trần Thị Lan Phương áp dụng linh hoạt trong tiết giảng của mình.
Cũng trong buổi tham luận, khoa Tài chính Ngân hàng đã đưa ra những góc nhìn mới trong việc nâng cao chất lượng bài giảng như: Ứng dụng trò chơi học tập trong bài giảng; Nâng cao chất lượng bài giảng trên cơ sở hiểu tâm lý sinh viên; Ứng dụng hiệu quả phần mềm office 365 tại khoa Tài chính Ngân hàng.
Trong bài tham luận “Ứng dụng trò chơi học tập trong bài giảng”, ThS. Lê Tuấn Anh đề cập tới 2 trò chơi học tập trực tuyến là Kahoot và Quizizz. Về ưu điểm, phương pháp này sẽ khuấy động không khí lớp học; tạo sự hào hứng, thi đua của sinh viên; giúp các em ghi nhớ nội dung bài học được lồng ghép trong trò chơi. Còn nhược điểm là sinh viên dễ sa đà vào việc chơi mà ít chú ý đến tính chất học tập của trò chơi.
Với bài thuyết trình “Nâng cao chất lượng bài giảng trên cơ sở hiểu tâm lý sinh viên”, ThS Lê Quỳnh Anh khẳng định, nắm bắt được tâm lý của học trò sẽ giúp thầy cô chọn ra cách giảng phù hợp. Theo Thạc sĩ, cần phải thúc đẩy môi trường học tập dễ chịu cho sinh viên bằng cách: Cởi mở, kiên nhẫn, tạo ra cảm xúc tích cực; Duy trì tương tác tốt, gọi sinh viên bằng tên, ở lại sau giờ giảng để giải đáp thắc mắc; Tạo cảm giác thành công cho sinh viên; Giảm áp lực thi cử.
Chất lượng bài giảng của giảng viên quyết định sự nghiêm túc, hứng thú của sinh viên trong quá trình học tập.
Trong bài tham luận về “Ứng dụng phần mềm office 365 tại khoa Tài chính Ngân hàng”, ThS. Bùi Xuân Luân chia sẻ về phương pháp quản lý công việc hiệu quả bằng ứng dụng này. Sau khi phần mềm này được áp dụng tại khoa Tài chính Ngân hàng đã đẩy mạnh hiệu suất công việc, tránh tình trạng ‘quên’ việc. Ngoài ra, phần mềm office 365 cũng giúp giảng viên dễ dàng quản lý, giao bài tập... phục vụ hiệu quả cho quá trình học online của sinh viên.
Bài tham luận của ThS. Bùi Xuân Luân nhận được sự đánh giá cao từ TS. Lê Thị Thanh Hương - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đại Nam. Đây cũng là bài giảng được cô Thanh Hương ‘đặt hàng’ tập huấn cho cán bộ, giảng viên toàn trường.
Phương pháp quyết định sự thành – bại của người thầy
Đánh giá cao 3 bài tham luận, cô Cao Thị Hòa – Phó hiệu trưởng Nhà trường khẳng định phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của người thầy.
Cô Hòa chia sẻ: “Đại Nam xác định phải có chất lượng thì mới tồn tại. Và khoa Tài chính Ngân hàng phải có chất lượng thì mới cạnh tranh được với những cơ sở đào tạo khác. Bởi vậy, là một người thầy, các bạn phải nghe nhiều, đọc nhiều để dung nạp kiến thức; thường xuyên cập nhật các thông tin, xu hướng mới nhất về ngành nghề để nâng cao chất lượng bài giảng”.
Cô Lê Thị Thanh Hương – Phó hiệu trưởng đánh giá cao sự tâm huyết, đầu tư của các thầy cô trong quá trình giảng dạy. Ngoài ra, cô Hương cũng nhắc nhở các giảng viên phải luôn cập nhật kiến thức, đi sâu đi sát thực tế vận động và phát triển của ngành nghề, có sự linh hoạt và cân đối trong các phương pháp dạy học; tránh tình trạng nhàm chán, cũ thông tin trong mỗi tiết học.
“Làm chất lượng cũng không quá khó, nó phụ thuộc vào con người, vào mỗi giảng viên chúng ta. Với những thăng trầm đã qua đi, tôi nghĩ mình có quyền kỳ vọng vào sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ của khoa Tài chính Ngân hàng”, TS. Lê Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Đào Hà