Quan hệ Nhà nước, Thị trường và Xã hội

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình thực hiện vai trò, chức năng của mình.
Nhà nước, thị trường và xã hội hình thành và phát triển gắn liền với sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động. Mỗi thành tố có chức năng và vai trò nhất định. Bản thân vai trò của các thành tố này thay đổi trong tiến trình phát triển, phụ thuộc vào sự phát triển của lực lượng sản xuất, cũng như sự phát triển của chính các thành tố, vào quan điểm phát triển và truyền thống lịch sử văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc. Như vậy, bản thân vai trò các thành tố có sự biến đổi, chứ không nhất thành bất biến trong các giai đoạn phát triển
Trong giai đoạn phát triển hiện nay của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành tố này có các vai trò cơ bản như sau:
- Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trường.
- Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hoá, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém.
- Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật.
Trong quá trình thực hiện vai trò của mình, các thành tố cần phải có sự tương tác, phối hợp. Tự Nhà nước hay thị trường và xã hội không thể hoàn thành tốt, hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra. Bản thân Nhà nước, thị trường và xã hội bên cạnh thế mạnh đều có những khuyết tật. Tuy nhiên, cả 3 thành tố trong quá trình vận động đều hướng đến đem lại lợi ích cho con người. Sự đồng hướng cùng những thế mạnh và hạn chế của 3 thành tố là cơ sở khách quan của mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội
Các thành tố Nhà nước, thị trường và xã hội xuất hiện với các tư cách khác nhau khi thực hiện các chức năng, vai trò của mình. Đó có thể là: 1- Quan hệ giữa chủ thể và khách thể quản lý; 2- Quan hệ giữa các chủ thể trên thị trường; 3- Quan hệ quyền lực chính trị (Nhà nước) - quyền lực đồng tiền (doanh nghiệp) - quyền lực của giá trị xã hội (phi chính trị, phi lợi nhuận) (xã hội); 4- Quan quan giữa thể chế, chính sách, công cụ nhà nước (Nhà nước)- Các quy luật, các yếu tố thị trường, các loại thị trường (thị trường) - Các thể chế xã hội thành văn và bất thành văn (xã hội); 5- Quan hệ giữa vị thế, vai trò các nguồn lực của nhà nước, thị trường và xã hội; 6- Quan hệ lợi ích công (Nhà nước)- lợi ích doanh nghiệp (thị trường) - lợi ích xã hội và lợi ích cục bộ của từng giai tầng, cộng đồng, nhóm xã hội (xã hội).
Trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc giải quyết mối quan hệ giữa 3 thành tố này phải tuân thủ các nguyên tắc:1-Phải lấy lợi ich quốc gia làm tối thượng và bảo đảm hiệu quả tăng trưởng; 2-Nhà nước không can thiệp khi thị trường và xã hội hoạt động hiệu quả và Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường và xã hội không làm, hoặc không thể làm; 3-Giải quyết mối quan hệ giữa 3 thành tố phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển, bảo đảm hài hòa lợi ích các thành tố.
Viện Đào tạo Sau đại học