Sinh viên CNTT Đại Nam học và “chinh phục” lập trình ngay từ năm nhất như thế nào?

Một trong những thách thức lớn nhất đối với sinh viên Công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới là việc học lập trình. Rất nhiều sinh viên CNTT năm cuối sắp ra trường vẫn “còn mù” lập trình và sợ nói đến lập trình. Với chương trình đào tạo mới của khoa CNTT trường Đại học Đại Nam, sinh viên cơ bản được “xóa mù” lập trình ngay từ học kỳ I của năm thứ nhất, có được nền tảng vững chắc để học các “ngón nghề” lập trình nâng cao.
Lập trình là gì?
Lập trình là việc viết ra các ứng dụng phần mềm để điều khiển máy tính thực hiện các công việc theo ý của con người. Nhờ lập trình mà chúng ta có các trò chơi máy tính, máy tìm kiếm, phần mềm kế toán, các ứng dụng thông minh… Có thể nói xung quanh chúng ta ngày nay, trong các thiết bị như tủ lạnh, máy điều hòa, ti vi, xe ô tô, nồi cơm điện,… tất cả đều có phần mềm là kết quả của lập trình.
Lập trình không chỉ dành cho những người thông minh, bất cứ ai cũng có thể học và giỏi về lập trình.
Thị trường việc làm của lập trình là vô tận
Thị trường lập trình là vô tận. Biết lập trình sẽ đảm bảo cho các sinh viên CNTT một công việc ổn định, lương cao, được trọng vọng. Và nếu có khát vọng, lập trình sẽ đưa các em tới những chân trời mới, trên toàn thế giới, như: Mỹ, Nhật, Âu Châu.
Theo thống kê, năm 2021 trên toàn thế giới THIẾU HỤT 40 triệu việc làm về lập trình máy tính, đến năm 2030 con số này sẽ tới 85 triệu. Đó chính là lý do lương trong ngành này tăng rất nhanh. Trong ngành này năng lực ở mức nào, trung bình, khá giỏi hay kiệt xuất cũng đều có chỗ sử dụng.
Sinh viên CNTT Đại học Đại Nam được "xóa mù" lập trình ngay từ năm thứ nhất.
Sinh viên CNTT Đại Nam học và “chinh phục” lập trình ngay từ năm nhất như thế nào?
Chương trình đào tạo mới ở Khoa CNTT, trường Đại học Đại Nam (FIT-DNU) đặt mục tiêu “xóa mù” lập trình cho các sinh viên ra trường từ mức trung bình trở lên. Lập trình vốn không khó, ai cũng có thể học lập trình. Khó là ở chỗ sinh viên không quen với cách học lập trình, những năm đầu tiên bị ngợp, hổng kiến thức. Những năm sau, những sinh viên này không sử dụng được lập trình để tiếp thu các kiến thức công nghệ, chán học và sợ lập trình.
Thầy Trưởng Khoa, đã từng nhiều năm là Kỹ sư trưởng phần mềm ở Mỹ, có kinh nghiệm đào tạo nhiều thế hệ sinh viên ở nhiều trường đại học, kỹ sư phần mềm tại các doanh nghiệp Việt Nam. Các thầy cô dạy lập trình tại FIT-DNU đều đã từng nhiều năm lập trình và lãnh đạo các dự án lập trình tại các doanh nghiệp.
Chương trình mới sẽ không nhồi nhét kiến thức lý thuyết, mà sẽ để sinh viên làm quen từ từ với kỹ năng lập trình, để sinh viên quen với cách học lập trình, không sợ lập trình tiến tới yêu thích lập trình.
PGS. TS Nguyễn Ái Việt (áo vest, giữa) - Trưởng khoa CNTT có nhiều năm là Kỹ sư trưởng phần mềm ở Mỹ, có kinh nghiệm đào tạo nhiều thế hệ sinh viên ở nhiều trường đại học, kỹ sư phần mềm tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Học lập trình là phải kết hợp với thực hành trên cơ sở nắm vững cách giải các bài toán thực tế. Từ học kỳ đầu tiên sinh viên tại FIT-DNU sẽ được học lập trình cơ bản. Nếu sau một học kỳ, có sinh viên nào còn thấy chưa thực sự thành thạo, còn thấy khó, cũng không sao, coi như bạn đó mới có một tua du lịch làm quen vào thế giới lập trình. Trong các học kỳ sau, bạn ấy sẽ có cơ hội học lại các kiến thức đó trong các môn khác, rèn đi rèn lại cho đến khi hết mù mới thôi.
Bên cạnh đó, trong học kỳ 1, năm học 2021-2022, FIT-DNU cũng đã có một chiến dịch “Xóa mù LẬP TRÌNH” cho sinh viên CNTT tất cả các năm, do các thầy tự nguyện dạy thêm cho các em. Theo đánh giá bằng sát hạch, có tới 70-80% sinh viên tham gia chiến dịch có thể xem như là hết mù. Đó có thể là phần thưởng lớn nhất đối với các thầy.
Học kỳ 2 năm học 2021-2022, sẽ tiếp tục có chiến dịch đợt 2. Đợt này sẽ có sự tham gia của một nhóm Xung Kích lập trình. Nhóm Xung kích sẽ được học lập trình nâng cao, với những “ngón nghề” không có trong sách vở, do các thầy tích lũy nhiều năm truyền lại. Đó là cơ hội đặc biệt chỉ sinh viên FIT-DNU mới có. Nhóm Xung kích sẽ giúp các thầy dạy các bạn còn yếu kém cho đến khi biết lập trình mới thôi. Như thế, sinh viên FIT-DNU không sợ không học được lập trình, chỉ sợ lười nhác thiếu nghị lực học tập.
Nhóm Xung kích sẽ còn có cơ hội được tuyển vào các dự án lập trình phát triển công nghệ của Khoa, các dự án hợp tác phát triển phần mềm với các doanh nghiệp. Đó là các dự án thật sự, “thực chiến”, nếu được tham gia sớm, sinh viên FIT-DNU sẽ không ngán ngại bất cứ việc lập trình nào, sẽ nhanh chóng được các doanh nghiệp trải thảm đỏ chào đón, và không thua kém bất cứ sinh viên trường nào, không nói ở Việt Nam, mà ngay cả trên thế giới, về lập trình. Điều các thầy ở FIT-DNU mong muốn là các em yếu kém sẽ nhanh chóng có thể tham gia vào các nhóm Xung kích để có cơ hội như các bạn và giúp các bạn đi sau.
Với hành trang kỹ năng lập trình, tri thức công nghệ và ý tưởng sáng tạo, sinh viên FIT-DNU tự tin hội nhập thị trường lao động đầy cạnh tranh.
Chưa dừng lại đó, lập trình đỉnh cao còn đòi hỏi tri thức công nghệ tiên tiến và kiến thức thực tiễn. FIT-DNU chủ trương cho sinh viên làm quen ngay từ năm thứ nhất với các hệ sinh thái công nghệ mới nhất của các công ty nổi tiếng nhất, tiến tới làm chủ các công nghệ này, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp hiện nay. Lập trình với công nghệ mới sẽ đem lại các ứng dụng phần mềm thông minh và chất lượng cao hơn. Kiến thức thực tiễn được trau dồi trong các giờ thực tập sẽ giúp sinh viên có các ý tưởng sáng tạo phát triển các ứng dụng. Với hành trang kỹ năng lập trình, tri thức công nghệ và ý tưởng sáng tạo, sinh viên FIT-DNU sẽ không cần phải sợ bất cứ công việc nào, sẵn sàng cạnh trạnh với bất cứ ai để vào thị trường CNTT của thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Ái Việt – Trưởng khoa CNTT