Talk show khoa Y: Giới tính và sức khoẻ tiền hôn nhân - Hiểu biết đủ, hành động đúng

Buổi Talk show được tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút sự quan tâm rất lớn của đoàn viên thanh niên trong toàn trường.
70% các ca nạo phá thai là học sinh, sinh viên
Mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên không chỉ đơn thuần là vấn đề sức khỏe mà còn là vấn nạn rất lớn của xã hội, là nguồn cơn của xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, thất học, mù chữ, nghèo đói, tệ nạn xã hội…
Số liệu thống kê từ Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có từ 300 -350 nghìn ca nạo phá thai mà chủ yếu rơi vào độ tuổi từ 15-19. Trong đó, có 20-30% là phụ nữ chưa kết hôn, 60-70% mới chỉ là học sinh, sinh viên.
Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở trẻ vị thành niên Việt Nam ngày càng sớm. Tuy nhiên, kiến thức của các em về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn còn rất hạn chế.
Đây thực sự là con số đáng báo động về nhận thức cũng như trách nhiệm của giới trẻ về giới tính và sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân hiên nay.
Thiếu kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nạo phá thai ở học sinh, sinh viên ngày càng gia tăng.
Theo các chuyên gia, hiểu biết lệch lạc về giới tính, sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân và quan niệm về tình yêu, tình dục ngày càng “thoáng” của giới trẻ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai ngày càng gia tăng ở học sinh, sinh viên hiện nay.
“Hiểu biết đủ, hành động đúng”
Với mục đích giúp sinh viên trang bị các kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản tiền hồn nhân; tạo diễn đàn để sinh viên giao lưu, chia sẻ các quan điểm của bản thân về tình yêu, giới tính; định hướng hành động đúng cho sinh viên; lan tỏa kiến thức tới cộng đồng, được sự đồng ý của Nhà trường, Liên chi đoàn khoa Y Trường Đại học Đại Nam tổ chức Talk show Giới tính và sức khỏe tiền hôn nhân: “Hiểu biết đủ, hành động đúng.”
Buổi Talk show có sự tham gia của đại diện Ban Giám hiệu, đại điện Đoàn Thanh niên, Bí thư/Phó Bí thư các liên chi đoàn, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên khoa Y và gần 300 sinh viên trong toàn trường.
Chia sẻ tại buổi Talk show, cô Bùi Thị Phương – Giảng viên Bộ môn Sản khoa Y Trường Đại học Đại Nam cho biết: "Giới tính và sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân là chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ và hết thú vị".
Bằng kiến thức, kinh nghiệm gần 30 năm công tác, làm việc trong lĩnh vực sản khoa, cô Bùi Thị Phương đã mang đến buổi Talk show những kiến thức vô cùng bổ ích thông qua những câu chuyện, tình huống thực tế gần gũi, sinh động.
Tham gia chương trình, sinh viên không chỉ được định vị “bản dạng giới”, tìm hiểu về các vấn đề sinh lý thường gặp ở cả hai giới, các xu hướng tình dục, tình dục an toàn – lành mạnh, các biện pháp tránh thai an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cách dự phòng, các vấn đề thường gặp và chăm sóc ở cả hai giới…, mà còn được giao lưu, thảo luận và nói lên quan điểm của mình về tình yêu, giới tính.
Đặc biệt, tại buổi Talk show, chủ đề có thai ngoài ý muốn do không có kiến thức áp dụng các biện pháp phòng tránh thai đúng cách được các bạn sinh viên quan tâm đặt câu hỏi và thảo luận rất sôi nổi.
Với tư cách diễn giả chính của chương trình, cô Bùi Thị Phương nhấn mạnh: “Có thai ngoài ý muốn khi đang là học sinh, sinh viên mang đến những hậu quả vô cùng lớn, không chỉ với bản thân các cặp đôi (nhất là các bạn gái) mà còn với cả gia đình và xã hội. Việc phải làm bố, làm mẹ quá sớm khi “ăn chưa no, lo chưa tới” khiến việc học hành của các bạn trẻ có thể bị dở dang, đánh mất cơ hội học tập, phát triển bản thân trong tương lai. Trong rất nhiều trường hợp, bạn nam “quất ngựa truy phong” khiến bạn nữ phải chọn cách nạo phá thai hoặc làm mẹ đơn thân, đối mặt với rất nhiều hệ lụy. Nạo phá thai quá sớm, quá nhiều lần để lại rất nhiều di chứng cho sức khỏe (vô sinh) và tinh thần. Còn nếu chọn làm mẹ đơn thân, bản thân bạn nữ và gia đình sẽ phải gánh chịu rất nhiều hệ lụy. Chưa kể việc đứa trẻ sinh ra trong điều kiện thiếu thốn cả tình cảm và vật chất sẽ để chịu rất nhiều thiệt thòi..."
Tại buổi Talk show, hầu hết sinh viên được hỏi đều cho rằng, trong xã hội hiện đại, vấn đề tình dục trước hôn nhân đã không còn quá nặng nề nhưng những người trong cuộc cần phải được trang bị đầy đủ các kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản để tự bảo vệ bản thân và “đối tác”.
Đào Thùy Linh – sinh viên lớp YDK 14 – 01 chia sẻ: “Buổi talk show thực sự rất thú vị và bổ ích. Chúng em có thêm được rất nhiều kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản. Đây là những kiến thức bất cứ bạn sinh viên nào cũng cần trang bị để tự tin, vững vàng và “nói không” với những rủi ro có thể gặp phải trong cuộc sống…”
Kết thúc chương trình, cô Bùi Thị Phương nhấn mạnh thông điệp: “Cha mẹ sinh ra ta, nuôi cho chúng ta khôn lớn. Cuộc sống là của chúng ta và do chúng ta. Thời gian cho mỗi con người là có giới hạn. Vì vậy, phải trân quý cuộc sống, tận dụng tối đa cơ hội hiện tại để nâng cao giá trị, năng lực bản thân. Bảo vệ cơ thể luôn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần trên cơ sở hiểu biết, thực hành trên cơ sở bằng chứng. Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là cấu phần của sức khỏe. Hãy hiểu biết tường tận bản thân mình. Hãy sống và tận hưởng những gì cuộc sống mang lại nhưng phải an toàn. Hãy bảo vệ cơ thể tránh xa những nguy cơ đang lan tràn xung quanh mình. Sống phải có kế hoạch, phải biết trì hoãn, phải biết từ chối…”
Ban Truyền thông