Thực trạng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

Đăng ngày 19/08/2016
19.297 lượt xem
Đăng ngày 19/08/2016
19.297 lượt xem
Chia sẻ: Icon facebook Icon X Icon Pinterest
carpentry-mark
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập ( T7/2000) các loại trái phiếu chính phủ lập tức được niêm yết trên sàn giao dịch. Tuy nhiên trải qua gần 16 năm phát triển nhưng vẫn tồn tại một nghịch lý là sự phát triển không đồng đều giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Ths. Trịnh Thị Minh Nguyệt – khoa TCNH
 
        Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập ( T7/2000) các loại trái phiếu chính phủ lập tức được niêm yết trên sàn giao dịch. Tuy nhiên trải qua gần 16 năm phát triển nhưng vẫn tồn tại một nghịch lý là sự phát triển không đồng đều giữa trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Khi mà tổng giá trị trái phiếu chính phủ lên tới 37 tỷ USD, còn trái phiếu doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 1,3 tỷ USD. Và tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa bao giờ vượt ngưỡng 2,5 tỷ USD, đồng thời chỉ tập trung ở vài doanh nghiệp nhất định như: ngân hàng ACB, Techcombank, công ty Masan, công ty đầu tư Tân Tạo…Vậy tương lai nào cho trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam ?
        1.Tình hình phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2015-đầu 2016
      Hiện nay nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp theo hình thức trái phiếu là cấp thiết. Ở các nước có nền kinh tế càng phát triển, thì nhu cầu giao dịch TPDN càng mạnh mẽ. Nhà đầu tư (NĐT) luôn mong muốn tìm kênh đầu tư ổn định, có tính rủi ro thấp để đa dạng hóa danh mục đầu tư. TPDN Việt Nam mới đạt quy mô 2,5% GDP, so với mức bình quân khu vực ASEAN+3 là 21,7% GDP, nên tiềm năng còn rất nhiều. Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển sẽ giúp tránh được những rủi ro về kỳ hạn, giảm chi phí sử dụng vốn, giúp thị trường vốn cân đối với thị trường tiền tệ, giảm chi phí giao dịch…và gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
        Trong năm 2015; 42.769 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành, theo thống kê của Bộ Tài Chính. Mặc dù khối lượng phát hành của toàn thị trường trái phiếu (TPCP, TPCPBL, CPCQĐP, TPDN) tăng 7% trong năm 2015, nhưng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành lại giảm 11%. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm phần lớn nhằm mục đích tái cơ cấu. Từ góc độ nhà đầu tư, chủ yếu là các ngân hàng, việc lựa chọn nhà phát hành được diễn ra khá cẩn trọng, một phần do áp lực hạ thấp tỉ lệ nợ xấu. Do vậy. các tổ chức tín dụng này chủ yếu chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp với nền tảng tài chính tốt. Trong năm 2016, nền kinh tế sẽ tiếp tục quá trình tái cấu trúc. Sự ổn định của nền kinh tế trong nước sẽ đứng trước các thử thách từ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất sẽ chịu áp lực từ tỷ giá và kế hoạch nâng lãi suất điều hành của FED. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu vốn của thị trường trong nước.            Do vậy, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2016 dự báo sẽ khó có đột phá so với năm 2015. Các nhà đầu tư, chủ yếu ở đây là các ngân hàng, vẫn sẽ cẩn trọng lựa chọn các doanh nghiệp với nền tảng tài chính ổn định, hạn chế rủi ro.
      Những tháng đầu năm 2016 thị trường trái phiếu DN sôi động hơn với nhiều thương vụ phát hành trái phiếu giá trị lớn như CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) phát hành 1000 tỷ đồng trái phiếu được TPBank và VIB mua với giá trị lần lượt 600 tỷ đồng và 400 tỷ đồng. CTCK Rồng Việt, dự kiến huy động 300 tỷ đồng trái phiếu thường; CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất dự kiến phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi… Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, số lượng trái phiếu DN phát hành vẫn khá khiêm tốn.
         2. Những ưu điểm khi huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp
        So với vay ngân hàng, huy động vốn qua trái phiếu có một số ưu điểm như không cần có tài sản thế chấp và được chủ động sử dụng số tiền huy động mà không có sự giám sát của ngân hàng. Doanh nghiệp chỉ phải trả lãi theo kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm và chỉ trả gốc vào cuối kỳ. DN sẽ được giải ngân ngay và toàn bộ thay vì việc giải ngân có lộ trình, từng đợt như khi đi vay vốn NH giúp họ chủ động hơn trong sử dụng vốn. Với một số trường hợp, đặc biệt là khi lãi suất thấp, DN có thể phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất cố định để tận dụng nguồn vốn với chi phí thấp. Trong khi đối với hình thức đi vay NH thông thường, lãi suất cho vay trung, dài hạn thường là thả nổi và sẽ được rà soát, thay đổi định kỳ.Về lý do phát hành trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh lãi suất (coupon) còn phải xét đến chi phí phát hành. Chi phí này sẽ biến động rất khác nhau tùy theo hình thức phát hành và chi phí tư vấn. Do đó, rất khó để chỉ căn cứ vào lãi suất và đi đến kết luận là “đắt” hay “rẻ” so với đi vay ngân hàng. Doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức huy động vốn phù hợp nhất với lợi ích của chính doanh nghiệp đó tại một thời điểm xác định thay vì chỉ đơn thuần dựa vào yếu tố lãi suất. Ngoài ra nếu so với hình thức huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu thì phát hành cổ phiếu không phải lúc nào cũng có tính khả thi  và còn chịu biến động, rủi ro của thị trường. Thêm nữa, nguồn vốn huy động từ hình thức này đôi khi chưa thể sinh lời ngay, gây áp lực lên lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS). Cuối cùng là tỷ lệ đòn bẩy tài chính, doanh nghiệp sẽ cố gắng đạt được tỷ lệ tối ưu nhất có thể, và điều này sẽ tác động trực tiếp lên quyết định việc doanh nghiệp muốn huy động vốn theo hình thức nào.
         3. Những hạn chế khi huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp
       Thị trường TPDN đến nay vẫn còn nhiều hạn chế. Chủ yếu TPDN tại Việt Nam hiện nay được phát hành theo hình thức riêng lẻ, chào bán cho một số NĐT giới hạn, tính minh bạch chưa cao. Bên cạnh đó, đa phần TPDN được NĐT nắm giữ cho đến khi đáo hạn, nên thị trường thứ cấp hầu như không có giao dịch. Số trái phiếu được niêm yết và giao dịch trên cả hai sàn còn thấp, các giao dịch chủ yếu thực hiện qua trao tay. Thông tin chung tổng hợp về thị trường cũng thiếu thốn, gây khó khăn cho NĐT.
Bên cạnh đó việc phát hành trái phiếu nhìn chung vẫn chưa dễ dàng, vì nếu xem xét kỹ sẽ thấy hầu như chỉ các công ty lớn, có vốn nhà nước, hay công ty cổ phần có vốn điều lệ lớn, hoặc các ngân hàng mới cổ phần hóa mới phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều này cho thấy, nhà đầu tư cũng chỉ cẩn trọng xem xét mua cổ phiếu của các doanh nghiệp họ tin tưởng và nhiều công ty phát hành trái phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, chứ không phát hành ra công chúng, như vậy khó có thể khẳng định là doanh nghiệp dễ dàng tìm được nguồn vốn qua kênh này. Thêm vào đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp không có giao dịch tập trung, nên nhà đầu tư rất khó chuyển nhượng khi cần. Một điều nữa là vấn đề thông tin của doanh nghiệp. Bản thân nhiều doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa thực hiện đầy đủ việc công bố thông tin thì tại một thị trường thứ cấp như trái phiếu, việc các trái chủ có được thông tin chính xác từ phía các công ty là điều không dễ dàng. Còn một rủi ro khác nữa là lãi suất. Thông thường, sau năm đầu tiên, lãi suất trái phiếu thường được áp dụng là lãi suất thả nổi, tức là lấy lãi suất huy động cùng kỳ hạn của bốn ngân hàng lớn, cộng thêm 2 - 4 điểm phần trăm. Nếu tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất cơ bản giảm kéo theo lãi suất huy động của ngân hàng đi xuống, thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt.
Một vấn đề nữa đó là nếu xảy ra hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ngân hàng mua lại, sau đó doanh nghiệp lại dùng khoản tiền này để trả nợ ngân hàng nhằm giúp ngân hàng xóa đi nợ xấu thì đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Trong trường hợp này, ngân hàng chỉ là người cho vay nợ qua trái phiếu chứ không nắm giữ được tài sản như cho vay tín dụng thông thường, nên nếu doanh nghiệp gặp rủi ro thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo. Đây cũng là những lý do làm trái phiếu doanh nghiệp bớt hấp dẫn.
        4. Định hướng và giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
      Để triển khai các giải pháp phát triển thị trường theo đúng lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 261/QĐ-BTC ngày 1/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp sau:
       Thứ nhất, về nhóm giải pháp hoàn thiện khung khổ pháp lý
Đánh giá triển khai thực hiện Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP với các điểm sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục triển khai Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
       Thứ hai, về nhóm giải pháp thị trường
      Một là xây dựng một phương án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Với mục tiêu là tăng cường tính minh bạch cũng như thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường, tăng cường huy động vốn cho thị trường tập trung. Bên cạnh đó, mục tiêu hoàn thiện thị trường TPDN được gắn liền với quá trình tái cấu trúc TTCK để có giải pháp phù hợp với đặc điểm thị trường Việt Nam; cải cách phát hành, phát triển hệ thống nền tảng thị trường, đặc biệt là hệ thống thống tin. Các vấn đề pháp lý, cơ chế chính sách, định giá, định mức tín nhiệm phải có lộ trình áp dụng, tham khảo nền tảng thị trường trái phiếu mà các nước ASEAN đang hướng tới...
      Hai là Cần sớm có sự ra đời và phát triển các công ty định mức tín nhiệm cho tất cả các đợt phát hành TPDN
       Hệ thống này sẽ giúp cho các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về doanh nghiệp phát hành và là căn cứ để các tổ chức tín dụng đánh giá việc mở rộng cho vay . . Hiện nay, có rất nhiều tổ chức ĐMTN quốc tế có uy tín, kinh nghiệm  như  Moody’s,  Standard  & Poor’s, Duff & Phelps, Fitch’s, CBRS … Tuy nhiên, DN Việt Nam hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, việc thuê các hãng lớn nước ngoài sẽ rất tốn kém. Do đó, Việt Nam cần tự hoạch định lộ trình để tiến tới xây dựng được các quy định về ĐMTN theo tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp chuẩn mực quốc tế
        Ba là cần quản lý chặt để hạn chế các tổ chức phát hành TPDN không đủ chất lượng
       Thị trường TPDN Việt Nam hiện còn quá nhỏ, có rất ít trái phiếu của các DN được giao dịch và niêm yết trên thị trường. Do đó chúng ta cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để hạn chế các tổ chức phát hành những trái phiếu không đủ chất lượng, tổ chức phát hành yếu kém. Đây là những nhân tố chủ chốt gây mất lòng tin của nhà đầu tư đại chúng. Các công ty chứng khoán, tổ chức tư vấn nên có nhiều hơn các báo cáo đầu tư, phân tích thị trường trái phiếu, cũng như đánh giá, xếp hạng chất lượng tổ chức phát hành trái phiếu.
         Các cơ quan quản lý như UBCK cần đóng vai trò quan trọng trong giám sát, nâng cao tính minh bạch của các tổ chức phát hành, bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Các tổ chức tư vấn phát hành cũng cần làm việc chặt chẽ với tổ chức phát hành trong việc chuẩn hóa hồ sơ trái phiếu, tiếp cận dần với các chuẩn mực quốc tế với thông tin minh bạch hơn - giống như một công cụ chứng khoán - để tránh những rủi ro không đáng có. Làm được như vậy, chúng ta mới có thể khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của các nhà đầu tư nhằm phát triển thị trường TPDN.
   
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ nhưng hy vọng trong thời gian tới việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có nhiều khởi sắc khi mà hiện nay, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khá cao về tốc độ lẫn tiềm năng tăng trưởng. Niềm tin này càng gia tăng khi mà Việt Nam ngày càng hội nhập sâu – rộng với nền kinh tế thế giới thông qua AEC, TPP..
 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tapchitaichinh.vn
2. Báo cáo trái phiếu doanh nghiệp 2015-VCBS
3. http://www.bvsc.com.vn/
4. http://www.mof.gov.vn/
 

Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025

Năm 2025, Trường Đại học Đại Nam tuyển sinh 36 ngành đào tạo thuộc các khối ngành: Sức khoẻ, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Kinh doanh và Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
background image
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background