Cô trò Trường THPT Tháp Mười trong những ngày ôn tập cuối cùng trước kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Học sinh tâm thế khá vững vàng
Sáng 20/6, tại Trường THPT Tháp Mười, tâm thế ôn tập của học sinh khối 12 rất nghiêm túc. Không chỉ các thầy cô có nhiều năng lựa được lựa chọn đến trường phụ trách lớp mà cả giáo viên chủ nhiệm, các thầy cô làm công tác đoàn cũng có mặt tại trường để quản lý học sinh.
Em Phạm Thị Ngọc Giàu - Học sinh lớp 12A1 - cho biết: Ngay sau khi kết thúc thi học kỳ, nhà trường đã tổ chức rà soát học sinh theo đăng ký môn thi đại học để tổ chức ôn luyện cho hiệu quả. Thời gian ôn tập từ thứ 2 đến thứ 7 với 5 tiết trên buổi. Ngoài ra, nhà trường còn mở lớp bồi dưỡng thêm cho học sinh yếu vào buổi chiều.
Là một học sinh khá, Ngọc Giàu cảm thấy khá vững về kiến thức. “Cho đến thời điểm này, các kiến thức cơ bản đã được củng cố nên chủ yếu thời gian trên lớp, các thầy cô giành để khắc sâu kiến thức. Em đang nỗ lực hết mình để có thể đạt mục tiêu đỗ tốt nghiệp và trúng tuyển vào Truờng ĐH Kinh tế Đà Nẵng” – Giàu chia sẻ.
Cũng là học sinh Trường THPT Tháp Mười, Nguyễn Đức Sang (lớp 12CBB4) dồn sức cho các môn thi khối B. Em cho biết mình đạt được trên 20 điểm/4 môn trong các đợt thi tập dượt.
Đó là kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, với nguyện vọng sẽ xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế TPHCM, Sang cho biết, mình sẽ phải tiếp tục cố gắng hơn nữa.
“Chỉ còn ít ngày là bắt đầu kỳ thi. Hiện em và các bạn đã đến các điểm thi, khảo sát địa điểm và thuê phòng trọ. Hành trang trước kỳ thi là kiến thức và một số lưu ý quan trọng, chúng em cũng đã được thầy cô thường xuyên nhắc nhở” – Nguyễn Đức Sang cho hay.
Hiện, tại Trường THPT Tháp Mười và các trường THPT của Đồng Tháp, các đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT đã được các thầy cô giới thiệu, tổ chức cho học sinh làm, sau đó chấm điểm, từ đó rút ra những kiến thức học sinh chưa thực vững để ôn tập lại.
Học ôn vẫn duy trì chào cờ, sinh hoạt lớp
Với các thầy cô giáo, dù chỉ là học ôn nhưng việc duy trì nền nếp chào cờ và sinh hoạt lớp là cách làm rất hiệu quả để cung cấp đến học sinh thông tin mới và chấn chỉnh ở các em những mặt còn hạn chế.
Thông tin từ thầy Phan Văn Thảnh – giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3, Trường THPT Tháp Mười – nhà trường vẫn duy trì đều đặn giờ chào cờ vào thứ 2 đầu tuần và ngày thứ 7 thực hiện sinh hoạt lớp với giáo viên chủ nhiệm.
Các giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ kiểm tra học sinh chuyên cần; nhắc nhở các em đến muộn hoặc có vấn đề về thái độ học tập để đảm bảo hiệu quả ôn tập.
“Thực ra, công tác ôn thi THPT quốc gia được tổ chức từ sớm và tiếp tục thực hiện trong tháng 6. Trường thực hiện phân lớp theo đối tượng học sinh.
Cụ thể, học sinh trung bình, yếu học lớp riêng và giáo viên sẽ tập trung củng cố, khắc sâu kiến thức cơ bản để chắc đỗ tốt nghiệp. Nhóm học sinh khá giỏi thì tập trung nâng cao kiến thức nhằm xét tuyển vào ĐH. Hiện nay, thái độ ôn tập của các em rất tốt, tâm thế rất quyết tâm” – thầy Thảnh chia sẻ.
Giáo viên đóng góp hỗ trợ học sinh trong kỳ thi
Trường THPT Đốc Binh Kiều không chỉ là nơi có điểm đầu vào thấp nhất của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) mà toàn trường còn có đến 30% học sinh hoàn cảnh vô cùng khó khăn; hoặc mồ côi, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc nhà rất nghèo…
Theo cô Hiệu trưởng Tôn Thị Mai Thanh, năm nay, trường có 214 học sinh lớp 12 và khoảng 70% dự thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì.
Dù đầu vào thấp, dự thi chủ yếu để xét tốt nghiệp và dự tuyển vào các trường CĐ, trung cấp nghề, nhưng ý thức ôn tập của học sinh rất tốt với 100% em tham gia học ôn tại trường. Nội dung kiến thức ôn tập của các thầy cô cũng được biên soạn để phù hợp với trình độ học sinh.
Điều đặc biệt tại ngôi trường này là tinh thần sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ học sinh của các giáo viên không chỉ về tinh thần mà còn cả vật chất.
“Thật xúc động khi các giáo viên tự động đóng góp, người năm chục, người một trăm để hỗ trợ học sinh dự thi. Như năm 2014, nhà trường tổ chức cơm trưa cho học sinh khó khăn và năm nay cũng sẽ duy trì như vậy. Riêng học sinh dự thi tại cụm do trường ĐH chủ trì, trường cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho các em đi thi” – Cô Tôn Thị Mai Thanh cho biết.
Theo cô Thanh, ngoài giai đoạn nước rút với thời gian ôn 10 buổi trên tuần, nhà trường còn có kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu kém ngay từ đầu năm lớp 10. Với học sinh lớp 12, thực hiện tăng tiết ngay từ đầu năm và thực hiện bồi dưỡng thêm ngoài giờ với học sinh yếu kém.
“Để tránh quá tải, nhà trường đã thống nhất ôn thi cho học sinh trên tinh thần hợp tác, không áp lực, học sinh yếu chỗ nào sẽ bồi dưỡng chỗ đó” – Cô Thanh chia sẻ.