Truyền thông trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam

Hằng năm, mỗi giảng viên phải có ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Đây là động lực thôi thúc các giảng viên không ngừng tìm tòi, nghiên cứu những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn mới, từ đó nâng cao trình độ, kiến thức phục vụ công việc giảng dạy cho sinh viên.
TS. Trần Văn Lệ - giảng viên khoa Truyền thông với kinh nghiệm gần 10 năm học tập và nghiên cứu tại Liên bang Nga đã có rất nhiều bài báo, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn cao. Trong tháng 9/2021, thầy vừa hoàn thiện bài báo khoa học mang tên “Truyền thông trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam” được công bố trên tạp chí khoa học Vestnik VSU – một trong những tạp chí uy tín nhất của các trường Đại học tại Nga.
Đây không chỉ là một sự kiện đánh dấu sự phát triển trong hoạt động nghiên cứu – giảng dạy của cá nhân TS. Trần Văn Lệ mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào nghiên cứu khoa học của Khoa Truyền thông Trường Đại học Đại Nam.
TS.Trần Văn Lệ báo cáo trước Hội đồng Khoa học
Chia sẻ về chủ đề của bài báo quốc tế vừa được đăng tải, TS. Trần Văn Lệ cho biết: Dịch bệnh Covid -19 đã tác động và làm thay đổi thế giới. Công tác chống dịch như chống giặc trên mọi mặt trận. Bản thân tôi là một giảng viên, đồng thời cũng là người làm báo, tôi nhận thấy vai trò của truyền thông rất quan trọng, có khả năng đóng góp không nhỏ vào thành công trong cuộc chiến với dịch bệnh. Bởi vậy, tôi đã chọn đề tài này cho bài báo khoa học của mình.
Bài báo khoa học "Truyền thông trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam" phân tích vai trò của truyền thông trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid -19 ở Việt Nam với ví dụ thông điệp 5K của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, bài báo có ra các khuyến nghị cho những người làm truyền thông trong việc đưa tin, tuyên truyền trong thời điểm dịch bệnh.
TS. Trần Văn Lệ lựa chọn Tạp chí khoa học Vestnik VSU để đăng tải công trình nghiên cứu khoa học của mình. Được biết, Tạp chí Vestnik VSU được thành lập năm 2004 thuộc cơ quan chủ quản Trường đại học quốc gia Voronezh. Tạp chí có chủ đề: “Ngữ văn, báo chí, phê bình”, xuất bản 4 kỳ/năm, công bố các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực ngữ văn và truyền thông đại chúng. Các bài báo có nội dung về các vấn đề của phê bình văn học và ngôn ngữ học, lý thuyết báo chí, quảng cáo và quan hệ công chúng được chấp nhận để xem xét và xuất bản.
Tạp chí được đưa vào Danh sách các tạp chí khoa học của Nga được bình chọn. Tạp chí Vestnik VSU được đăng ký bởi Cơ quan Liên bang về Giám sát Tuân thủ Pháp luật trong lĩnh vực Truyền thông đại chúng và Bảo vệ Di sản Văn hóa: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thông tin đại chúng PI số FS77-19722 ngày 7 tháng 4 năm 2005.
Các tác giả của tạp chí đều là các nhà khoa học hàng đầu của Nga và nước ngoài và các nhà nghiên cứu trẻ. Tất cả các bài báo đều được đánh giá và kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Tính đến nay, TS. Trần Văn Lệ đã có 9 công trình nghiên cứu, là các bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học của Nga, trong đó có thể kể đến một số đề tài, như: Hệ thống báo chí Việt Nam trong thời gian chuyển qua chủ nghĩa xã hội ( báo chí của Đảng) được đăng trên Tạp chí khoa học “Vetnhich” cấp Quốc gia của Trường ĐHTHQG Voronezh (năm 2016); “Ảnh hưởng của mạng xã hội đến báo chí Việt Nam” đăng tải trên Tạp chí Asen (năm 2017); “Hoạt động ngoại giao của các nhà lãnh đạo Việt Nam giúp củng cố hình ảnh quốc gia” đăng trên Tạp chí hội thảo khoa học toàn liên bang “ Những vấn đề truyền thông” (năm 2018); và đề tài “Truyền thông trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam” vừa được đăng trên Tạp chí Vestnik VSU tháng 9/2021 vừa qua.
TS.Trần Văn Lệ tham dự Hội thảo quốc tế tại trường Đại học THQG Matxcova mang tên M.V.Lomonosov.
Nói về tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học, thầy Lệ cho biết: Nghiên cứu khoa học và giảng dạy là hai hoạt động có sự tương hỗ lẫn nhau. Kết quả nghiên cứu khoa học có ý nghĩa làm cơ sở cho việc cải tiến, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Những kiến thức, kinh nghiệm thu thập được trong quá trình nghiên cứu khoa học sẽ bổ sung, tạo điều kiện để giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; bổ sung tài liệu thực tế cho bài giảng, góp phần đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Mặt khác, các sản phẩm nghiên cứu khoa học sau khi nghiên cứu chính là cơ sở, luận cứ khoa học là nguồn tư liệu quý để phục vụ biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phục vụ giảng dạy, học tập tại Nhà trường.
Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, TS. Trần Văn Lệ nhấn mạnh 04 lưu ý quan trọng, gồm: Sắp xếp, phân bổ thời gian hợp lý; lựa chọn chủ đề nghiên cứu; trình bày đề tài nghiên cứu theo mẫu chuẩn quốc tế; lựa chọn tài liệu tham khảo phù hợp.
Thanh Huệ