Văn hóa số

Đăng ngày 10/08/2021
4.055 lượt xem
Đăng ngày 10/08/2021
4.055 lượt xem
Chia sẻ: Icon facebook Icon X Icon Pinterest
carpentry-mark
Công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số, kỷ nguyên số là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược.

Thế giới vật lý đang được số hóa. Đời sống thực đang được ánh xạ vào không gian mạng. Quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số mang lại nhiều tiện ích hơn cho cuộc sống, nhưng nó cũng đòi hỏi mỗi người trong chúng ta phải thay đổi cả tư duy và hành động, thay đổi để thích nghi/ tương thích với “cuộc sống số”.

Chuyển đổi số bao gồm công nghệ và chuyển đổi. Thực tế là chuyển đổi mô hình hoạt động, cách sinh hoạt. Nghĩa là làm khác với hiện tại, dùng công nghệ số thay đổi cách thức đang làm. Công nghệ số cũng cho chúng ta những cách tiếp cận mới, giải pháp mới để giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại lâu dài của loài người, như ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đo lường tâm trạng xã hội, sự tham gia của người dân vào hoạch định chính sách, v.v....

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có lần chia sẻ: Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra thì tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.

Mạng xã  hội mang lại nhiều tiện nghi, giao tiếp xã  hội rộng hơn, thông tin về đời sống kinh tế - xã  hội lan tỏa nhanh chóng, nhưng đi kèm với đó là những nhượng bộ về quyền riêng tư. Để người dân an tâm về những nhượng bộ đó, nhà cung cấp dịch vụ và nhà nước cần đảm bảo rằng những thông tin cá nhân không được sử dụng để chống lại lợi ích của họ, không bị lạm dụng cho các mục đích họ không thể kiểm soát. Điều này không chỉ nhờ vào một hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, có khả năng thực thi cao mà còn ở niềm tin vào tính liêm chính của bộ máy nhà nước.

Hiện nay, hệ thống luật pháp của chúng ta còn thiếu nhiều quy định điều chỉnh các quan hệ trong xã hội số. Cùng với môi trường “số” còn nhiều rủi ro, an toàn thông tin chưa được đảm bảo, thì những thói quen, tư duy lạc hậu của người Việt Nam còn cản trở công cuộc “số hóa”, thậm chí còn làm cho công nghệ số không thể vận hành được.

Câu chuyện của một chuyên gia nước ngoài kể là một ví dụ. Nhiều lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp lớn đến Harvard hỏi nên chuyển đổi số bằng công nghệ gì, nhưng một vị giáo sư nói ông ấy không dạy một công nghệ cụ thể, mà dạy phương pháp suy nghĩ của giới công nghệ, tức tư duy số. Công nghệ tốt cỡ nào rồi sẽ trở nên lỗi thời, nhưng nếu biết cách học và thay đổi nhanh sẽ không bao giờ lạc hậu.

Và không công nghệ nào có thể giải quyết được nạn trì trệ, quan liêu. Tôi đã nghe một tập đoàn Việt Nam đầu tư hàng triệu USD mua hệ thống thương mại điện tử của nước ngoài, nhưng muốn đổi font chữ thôi cũng phải chờ đối tác vài tuần. Tôi mới truy cập thử, thấy website đã "chết lâm sàng".

Cũng không phải cứ nhét công nghệ vào là thành "số" hết. Tôi đã thấy có nhà băng khoe là "ngân hàng số", nhưng muốn sửa gì, kỹ sư phải viết đơn chờ ba cấp lãnh đạo phê duyệt. Đồng ý rằng đi chậm có thể chắc hơn, nhưng tôi e là do ở dưới sợ trách nhiệm, ở trên thì lo mất kiểm soát. Tôi coi đánh giá, mười khách hàng hết chín than phiền app chậm và hay bị lỗi.

Ngược lại, không cần phải có công nghệ đình đám mới được coi là "số". Nơi nào tạo điều kiện tối đa để nhân viên làm việc, cổ vũ tự do sáng tạo, khuyến khích đảm nhiệm trọng trách, chấp nhận sai sót mà không đổ lỗi cá nhân, nơi đó đã bắt đầu chuyển đổi số thành công.

Chuyển đổi số, do đó, không phải là chuyển từ "offline" sang "online", từ giấy tờ sang máy tính, từ thủ công sang tự động, mà là chuyển đổi tư duy. Câu hỏi không phải "tôi sẽ dùng công nghệ gì" mà là: tôi phải suy nghĩ thế nào để có thể thay đổi nhanh và học không ngừng.

Công nghệ hiện đại, các thiết bị thông minh … luôn phải có con người đủ khả năng để điều khiển, sử dụng các công nghệ, thiết bị đó. Muốn xây dựng thành phố thông minh (smart city) thì trước hết cần có những công dân thông minh  (smart citizen ). Có công nghệ hiện đại, thiết bị thông minh nhưng người dùng ngu dốt, ý thức/ thái độ sống kém thì hậu họa tất yếu là phá hoại. Ví dụ như việc tham gia giao thông của người Việt Nam, với văn hóa giao thông theo kiểu “chèn vào chỗ trống” thì không thể sử dụng các hệ thống giao thông thông minh một cách hiệu quả; các phương tiện giao thông thông minh, như xe tự lái, không dám sử dụng ở Việt Nam.

Con người có “văn hóa” trong kỷ nguyên số là người hiểu biết, giỏi công nghệ kỹ thuật, có thái độ sống tích cực, biết sống tôn trọng và vì mọi người, bênh vực cái đúng, đấu tranh với cái sai và là người biết “học tập liên tục”. Cuộc sống đã được “số hóa” thì nó đòi hỏi văn hóa sống cũng phải “số hóa”, tức là thái độ văn hóa phải phù hợp với cuộc sống số.

Từ định tính sang định lượng

Nhìn lại kinh nghiệm phát triển số trên thế giới có thể thấy trí tuệ nhân tạo đang đóng vai máy móc thay thế lao động trí óc của con người, đang tạo nên bước đột phá quan trọng cho phát triển. Gắn với trí tuệ nhân tạo, mọi thông tin phải ở dạng số.

Trí tuệ con người thiên về tư duy định tính, thường bị tình cảm yêu hay ghét chi phối, làm mất đi tính trung thực và khách quan. Mọi nhận định và đánh giá thường thiếu căn cứ định lượng mang tính chính xác của khoa học, nhiều trường hợp đã dẫn đến những quyết định sai. Khác đi, trí tuệ nhân tạo lại tư duy theo định lượng, mọi quyết định đưa ra đều đủ căn cứ xác đáng sau khi phân tích dữ liệu. Quyết định sai chỉ có thể xảy ra khi dữ liệu sai.

Hiện nay, trên thế giới đã đưa ra một hệ thống đồ sộ các chỉ số để đánh giá mọi quá trình, mọi ngành nghề, mọi hoạt động, mọi quốc gia. Hàng năm, Ngân hàng Thế giới đều xuất bản một tài liệu mang tên “Chỉ số thế giới” với hàng triệu chỉ số để đánh giá hàng nghìn lĩnh vực của hàng trăm quốc gia.

Các chỉ số như vậy là căn cứ xác đáng để mỗi quốc gia tự đánh giá mình đang ở mức nào trong từng lĩnh vực, rồi từ đó đưa ra các quyết định điều chỉnh phù hợp. Đối với các doanh nghiệp trong thời đại kinh tế số, họ cũng đã phải áp dụng phương pháp Thẻ điểm cân bằng để lượng hóa chiến lược kinh doanh, mục đích kinh doanh nhằm thực hiện đảm bảo chính xác. Đây chính là bản chất của “tư duy số”. Tư duy con người cũng phải thay đổi từ định tính sang định lượng. Đó là sự chuyển đổi số của tư duy.

Nước ta hiện nay có thiếu vắng hệ thống chỉ số cần thiết để đánh giá và quyết định. Mọi thứ vẫn trong trạng thái tư duy định tính. Việc cần làm trong chuyển đổi số là hình thành các chỉ số định lượng để chuyển đổi tư duy sang “tư duy số” như một thói quen trong phát triển cho tới khi trở thành “văn hoá số”. Có như vậy các quyết định mới đạt hiệu quả cao và không còn chỗ cho tình thân hữu chi phối. Một Chính phủ số sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, không còn chỗ cho tệ quan liêu, tham nhũng, thói quen hạch sách người dân, doanh nghiệp và cũng không còn “văn hóa truyền thống – một người làm quan cả họ được nhờ”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn tới, đó là hiện thực hóa khát vọng biến Việt Nam thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), với cú huých trăm năm của đại dịch Covid-19 thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số. Đây là cơ hội cho Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng.

 

                                                                                                                  Viện Đào tạo Sau đại học

Đăng ký tư vấn tuyển sinh 2025

Năm 2025, Trường Đại học Đại Nam tuyển sinh 36 ngành đào tạo thuộc các khối ngành: Sức khoẻ, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Kinh doanh và Khoa học Xã hội & Nhân văn.
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
Bạn cần nhập lại thông tin này.
background image
Đăng ký ngay để nhận
Quỹ học bổng và hỗ trợ học phí lên tới 55 tỷ đồng
admissions student background